Bấp bênh tăng trưởng
9 tháng đầu năm 2019, CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) báo cáo doanh thu thuần 13.073 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 193,5 tỷ đồng.
Áp lực bán hàng, giải phóng hàng tồn kho đang làm khó Savico. Tính đến hết ngày 30/9/2019, Công ty có 1.571 tỷ đồng hàng tồn kho và 422 tỷ đồng khoản phải thu.
Diễn biến này đã được Savico tiên lượng trước. Tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2019, lãnh đạo Công ty nhận định, các đại lý phân phối ô tô phải đối mặt với sản lượng cung xe lắp ráp trong nước và nhập khẩu khá lớn, áp lực bán hàng, giải phóng tồn kho tăng lên. Lợi nhuận gộp sẽ khó giữ được mức tương đương năm 2018.
Lợi nhuận gộp quý III năm nay của Savico giảm 17,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng do lượng lớn hàng tồn kho đẩy dư nợ vay tăng, cùng với sự tăng nhẹ của lãi suất so với cùng kỳ năm 2018. Chi phí bán hàng tăng 24,7 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương ứng với sự tăng trưởng của doanh thu.
Tổng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng do cộng thêm các đơn vị mới thành lập, phát sinh chi phí hoạt động chưa có hiệu quả. Do đó, dù doanh thu thuần tăng trưởng nhờ toàn hệ thống gia tăng sản lượng, thị phần, nhưng lợi nhuận đơn vị giảm 40% về 47 tỷ đồng.
Năm nay, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu 18.193 tỷ đồng doanh thu, tăng 22%; lợi nhuận trước thuế 273 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2018; tỷ lệ cổ tức 15%. Như vậy, so với kế hoạch cả năm, Savico hoàn thành được 71,8% về doanh thu và 70,8% lợi nhuận sau 9 tháng.
CTCP City Auto (CTF), đơn vị chuyên phân phối dòng xe Ford, báo lỗ hơn 8 tỷ đồng trong quý III/2019, dù doanh thu tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 1.595 tỷ đồng.
Theo giải trình, doanh thu CTF tăng do hợp nhất doanh thu Huyndai Trường Chinh cùng với việc tăng bán các loại xe nhập khẩu giá trị lớn. Riêng doanh thu hợp nhất từ Huyndai Trường Chinh đã đóng góp hơn 485 tỷ đồng vào doanh thu CTF.
Tuy nhiên, chi phí bán hàng và quản lý tăng mạnh; giá vốn bán hàng tăng 41%, tương ứng tăng hơn 183 tỷ đồng; chi phí lãi vay tăng hơn 3,8 tỷ đồng so với cùng kỳ 2018 do tăng vay nợ để nhập khẩu xe.
Biên lãi gộp từ mức 6,1% trong nửa đầu năm đã giảm về 4,9% trong quý III. Những điều này đã dẫn tới khoản lỗ của Công ty trong quý III.
Năm nay, CTF đặt kế hoạch doanh thu 5.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng. Ba quý đầu năm, Công ty ghi nhận 4.530 tỷ đồng doanh thu và 40,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. CTF đã về hoàn thành 88,8% kế hoạch doanh thu, nhưng mới đạt 50% chỉ tiêu lợi nhuận.
Cạnh tranh ngày càng nóng
Doanh thu tăng trưởng, nhưng lợi nhuận suy giảm cũng là tình trạng của CTCP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (HAX) trong 9 tháng đầu năm.
Cụ thể, lợi nhuận của Công ty giảm 32% so với cùng kỳ, đạt 44 tỷ đồng, do giá vốn tăng mạnh hơn cùng các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý tăng.
Theo lý giải của Haxaco, chi phí tăng là do trong 9 tháng, các hãng xe, đại lý phân phối đang cạnh tranh khốc liệt để thu hút khách hàng.
Công ty tập trung tăng số lượng bán ra để tăng thị phần kinh doanh xe Mercedes-Benz nên đẩy mạnh các chính sách ưu đãi về giá, sử dụng công nghệ mới trong bán hàng, marketing…
Năm nay, Haxaco đặt mục tiêu doanh thu 5.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 121 tỷ đồng. Sau 3 quý, Công ty mới đạt được 3.714 tỷ đồng doanh thu và gần 62 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương 66,3% và 51,2% kế hoạch doanh thu, lợi nhuận.
Xe nhập khẩu về ồ ạt khiến các doanh nghiệp gặp áp lực trong phân phối, chạy theo cuộc đua giảm giá kích cầu. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, lũy kế 10 tháng, toàn thị trường bán ra 259.282 xe, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ðáng nói, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 12%, trong khi xe nhập khẩu tăng 118% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, xe lắp ráp có doanh số 153.144 xe, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này là 174.878 xe; xe nhập khẩu tiêu thụ 106.138 xe, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 48.669 xe.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10/2019, có hơn 123.000 ô tô được nhập khẩu về Việt Nam, trị giá 2,7 tỷ USD, tăng gấp 2,3 lần về lượng (tương đương tăng 131,6%) và tăng 126,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, tỷ lệ tăng trưởng kép (CARG) trong tốc độ tiêu thụ xe nhập khẩu từ năm 2014 đến 9 tháng 2019 là 15,3%. Nhu cầu sử dụng ô tô tại Việt Nam tăng lên, ô tô nhập khẩu được hưởng thuế 0% từ các nước ASEAN vì thế cũng tăng mạnh, tiếp theo là lượng xe nhập khẩu từ các nước thành viên CPTPP và EVFTA.
Theo phân tích của BSC, cạnh tranh từ ô tô nhập khẩu đang ngày càng gia tăng và ảnh hưởng tới ngành sản xuất ô tô nội địa. Quý IV/2019 là dịp cao điểm mua sắm cuối năm, giá bán xe trung bình giảm từ 9 - 10% cùng kỳ nhưng vẫn cao hơn khu vực khoảng 20 - 30%.