Theo thông báo của SCIC, Tổng công ty sẽ chào bán toàn bộ 16,44% cổ phần Công ty cổ phần Xi măng Sài Sơn mà SCIC đang nắm giữ theo hình thức chào bán cạnh tranh. Cụ thể, SCIC sẽ chào bán 3,2 triệu cổ phần của SCJ với giá khởi điểm 14.300 đồng/cổ phần, cao hơn 54% so với thị giá hiện tại của cổ phiếu SCJ (đạt 9.300 đồng).
Phiên chào bán cạnh tranh sẽ được tổ chức vào ngày 31/12 tới tại Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS). Mục đích của việc chào bán cổ phần, theo SCIC, là cơ cấu danh mục đầu tư theo chủ trương thoái vốn đầu tư của SCIC tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ cổ phần.
Theo phân tích của VCBS, việc SCIS thoái toàn bộ vốn tại SCJ theo hình thức chào bán cạnh tranh là một hoạt động hết sức bình thường. Với mức sở hữu gần 16,5% vốn, tính đến thời điểm này, SCIC là cổ đông lớn nhất tại SCJ. Điều quan trọng là, việc SCIC rút vốn đầu tư không ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều hành tại doanh nghiệp này.
Trong cơ cấu vốn tại SCJ, ngoài SCIC sở hữu 16,4%, ông Nguyễn Văn Bổng, Giám đốc SCJ sở hữu 15,37%, hơn 68% thuộc về các cổ đông khác. Với sản phẩm mang thương hiệu Nam Sơn, Xi măng Sài Sơn là doanh nghiệp xi măng quy mô nhỏ, với vốn điều lệ 195,1 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2014, tổng tài sản của SCJ đạt 526 tỷ đồng, nợ trên tổng tài sản lên đến 50,5%. Phân tích của VCBS cho thấy, doanh thu và lợi nhuận của SCJ chịu biến động khá lớn qua các năm. Nếu từ năm 2011 trở về trước, Công ty đều ghi nhận doanh thu và mức lãi sau thuế tương đối cao, thì sau năm 2011, do ảnh hưởng từ sự trì trệ của thị trường xi măng nói riêng và ngành vật liệt xây dựng nói chung, doanh thu và lợi nhuận của Công ty giảm đáng kể.
Đặc biệt, năm 2012, do ảnh hưởng từ chi phí lãi vay cao, Công ty đã phải ghi nhận khoản lỗ 11,9 tỷ đồng, dù doanh thu không thấp hơn quá nhiều so với năm liền trước đó (đạt 251,3 tỷ đồng so với 278,2 tỷ đồng năm 2011).
Tuy nhiên, bước sang năm 2014, tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty đã có những biến chuyển đáng kể. Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó giám đốc SCJ, quý III/2014, Công ty đạt lợi nhuận trước thuế 9,2 tỷ đồng, đã góp phần nâng lợi nhuận sau thuế lên mức 15,4 tỷ đồng.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của SCJ, có thể thấy, đây là thời điểm thuận lợi khiến SCIC đưa ra quyết định thoái hết vốn. Đại diện SCIC cho rằng, đây là một trong những động thái để cơ cấu lại nguồn vốn, danh mục đầu tư của SCIC tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ cổ phần.
Theo các nhà đầu tư, quyết định thoái vốn của SCIC tại SCJ chưa thể dám chắc về tính khả thi. Bởi, trên thực tế, có doanh nghiệp tương tự (sản xuất, kinh doanh xi măng có quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm được xếp hạng ở cuối bảng, giá khởi điểm lại cao hơn thị giá…) mà SCIC từng thoái 3-4 lần không xong, mất rất nhiều thời gian.
Nhưng rõ ràng, SCIC có lý để lựa chọn thời điểm này, cũng như tính toán để đưa ra mức giá là 14.300 đồng/cổ phần, chứ không phải một mức giá nào khác. Ngoài ra, kết quả thoái hết gần 40% vốn tại YBC, một doanh nghiệp xi măng nhỏ, thua lỗ liên tiếp 3 năm và từng bị hủy niêm yết, được SCIC thực hiện trong năm qua càng củng cố thêm niềm tin và tính hiệu quả của việc thoái vốn tại SCJ đợt cuối năm 2014.