Sau xét xử phúc thẩm: Tài sản của bà Trương Mỹ Lan xử lý như thế nào?

Phiên tòa phúc thẩm liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 47 đồng phạm đã khép lại. Nhiều tài sản của bà Lan tiếp tục bị kê biên để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án.
Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM tiếp tục kê biên và xử lý các tài sản thuộc sở hữu hoặc có liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ bồi thường.

Tiếp tục kê biên nhiều tài sản

Kết thúc phiên toà phúc thẩm, Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã tuyên phạt Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội tham ô tài sản; 20 năm tù về tội đưa hối lộ; 16 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử (HĐXX) yêu cầu bị cáo Trương Mỹ Lan bồi thường cho Ngân hàng SCB toàn bộ dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại, tính đến ngày 17/10/2022, với tổng số tiền tương đương 673.800 tỷ đồng.

Về xử lý tài sản, Tòa phúc thẩm tuyên tiếp tục kê biên và xử lý các tài sản thuộc sở hữu hoặc có liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Các tài sản kê biên bao gồm: 658 mã bất động sản đứng tên các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc các cá nhân đứng tên giúp bị cáo Lan.

Cùng với đó là nhà đất tại các địa chỉ trọng điểm ở TP.HCM, gồm: 21 - 21A Trần Cao Vân (Quận 1), 19 - 21 - 23 - 25 Nguyễn Huệ (quận 1), 78 Nguyễn Huệ (quận 1), 110 - 112 Võ Văn Tần (quận 3). Kèm theo một số tài sản di động, gồm: 1 du thuyền, 2 tàu, 18 ô tô.

Tất cả các tài sản kê biên sẽ được xử lý theo quy định pháp luật để thi hành nghĩa vụ bồi thường trong vụ án, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và đúng trình tự thi hành án.

Cũng trong phần xử lý tài sản, HĐXX cấp phúc thẩm giao Ngân hàng SCB 1.120 mã tài sản để đảm bảo cho 1.243 khoản vay. Tuy nhiên, việc thi hành án và xử lý tài sản nhằm khắc phục hậu quả phải được thực hiện dưới sự phối hợp giữa: Ngân hàng SCB, Cơ quan thi hành án, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (C03) Bộ Công an.

Đối với dự án 6A do Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư, có diện tích 26,4 ha tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, HĐXX cho rằng, vấn đề liên quan đến dự án này chưa được bản án sơ thẩm xem xét và giải quyết, nên không thuộc phạm vi xét xử của cấp phúc thẩm.

Về số tiền 5.000 tỷ đồng, bị cáo Trương Mỹ Lan yêu cầu Ngân hàng SCB trả lại 5.000 tỷ đồng, với lý do số tiền này đã được sử dụng để tăng vốn điều lệ cho SCB. Tuy nhiên, theo phán quyết của Tòa phúc thẩm, SCB đã hoàn tất việc tăng vốn vào cuối năm 2021.

Do nội dung này chưa được điều tra, truy tố và xét xử trong vụ án, nếu các bên liên quan thấy cần thiết, có thể khởi kiện trong một vụ án dân sự khác để giải quyết tranh chấp.

Theo HĐXX, nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Trương Mỹ Lan là đặc biệt lớn. Vì vậy, tất cả các tài sản và quyền tài sản thuộc sở hữu hoặc liên quan đến bị cáo sẽ được xem xét theo trình tự, thủ tục của Luật Thi hành án dân sự để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án một cách triệt để.

Đình chỉ kháng cáo của Quốc Cường Gia Lai

HĐXX cũng đã quyết định đình chỉ xét xử đối với yêu cầu kháng cáo của Công ty Quốc Cường Gia Lai. Công ty này có nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ số tiền gần 2.883 tỷ đồng đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan để thi hành nghĩa vụ bồi thường của bà Lan trong vụ án.

Do Công ty Quốc Cường Gia Lai vẫn phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả số tiền trên, HĐXX tuyên tiếp tục kê biên các bất động sản liên quan đến Công ty Quốc Cường Gia Lai. Sau khi công ty hoàn trả đủ số tiền gần 2.883 tỷ đồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan, các bất động sản và giấy tờ pháp lý liên quan sẽ được trả lại cho công ty.

Thông tin từ hồ sơ vụ án cho thấy, bị cáo Trương Mỹ Lan đã sử dụng Công ty Sunny để ký hợp đồng hứa mua, hứa bán Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM) với Công ty Quốc Cường Gia Lai, với giá trị hợp đồng 14.800 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Lan đã thanh toán gần 2.883 tỷ đồng.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Như Loan (lúc đó là Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai) còn giao cho Trương Mỹ Lan 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM) để sử dụng làm tài sản đảm bảo vay thêm tiền.

Do Công ty Sunny không thanh toán đủ số tiền đúng thời hạn như cam kết trong hợp đồng, Công ty Quốc Cường Gia Lai đã khởi kiện ra trọng tài thương mại.

Tháng 5/2023, Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tuyên rằng, Công ty Quốc Cường Gia Lai chấm dứt hợp đồng hứa mua, hứa bán là đúng quy định. Công ty Quốc Cường Gia Lai không phải thanh toán bất kỳ khoản tiền nào cho Công ty Sunny.

Tuy nhiên, đến tháng 12/2023, Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên hủy phán quyết của Hội đồng Trọng tài VIAC. Vụ việc hiện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và là một phần trong các tranh chấp phức tạp liên quan đến vụ án.

Hải Phong
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục