Việc mua lại BG sẽ giúp dự trữ dầu mỏ và khí đốt của Shell tăng khoảng 25% và sản lượng tăng 20%. Nhiều nhà phân tích cho rằng Shell hoàn toàn có thể vượt ExxonMobil (Mỹ) để trở thành tập đoàn dầu mỏ (không phải của nhà nước) lớn nhất thế giới về sản lượng.
Với số tài sản BG đang sở hữu tại Braxin, việc mua lại đối thủ cũng giúp Shell trở thành công ty dầu mỏ quốc tế lớn nhất tại quốc gia Nam Mỹ này, cũng như củng cố vị trí của hãng là nhà sản xuất khí đốt hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới.
Ngay sau thông tin mua lại nói trên, cổ phiếu của BG trên sàn giao dịch chứng khoán London (Anh) chiều ngày 8/4 đã tăng tới 28%, lên 11,69 bảng/cổ phiếu, trong khi cổ phiếu của Shell lại giảm khoảng 8% xuống 20,33 bảng/cổ phiếu, do một số nhà phân tích cho rằng mức giá mà Shell phải trả cho BG là “quá đắt”.
Về phần mình, Giám đốc điều hành của Shell, Ben van Beurden vẫn coi thỏa thuận này là một thời khắc cực kỳ đáng nhớ của tập đoàn, khi hãng đã phải vật lộn trong những năm gần đây để nâng sản lượng và tăng nguồn dự trữ dầu mỏ. Shell từ lâu đã để mắt tới BG, song việc giá dầu mỏ sụt giảm mạnh thời gian vừa qua đã kéo tụt giá trị của tất cả các tập đoàn năng lượng lớn, khiến thương vụ mua lại này đặc biệt thu hút sự chú ý của thị trường trên phương diện giá trị.
Đáng chú ý, giá trị cổ phiếu của BG đã sụt giảm tới 28% trong giai đoạn từ tháng Sáu năm 2014 cho đến trước khi thỏa thuận mua lại được thông báo.
Câu hỏi được giới đầu cơ chứng khoán đặt ra là: sau thương vụ Shell mua lại BG, liệu xu hướng M&A có lại tiếp diễn trong ngành dầu mỏ hay không, nhất là khi các tập đoàn dầu khí đang tìm cách cắt giảm các chi phí không cần thiết, hoặc tìm cơ hội thâu tóm đối thủ khi giá dầu mỏ đang thấp.
Kể từ khi giá “vàng đen” trượt dốc năm ngoái, giới đầu cơ đã dự báo ngành dầu khí sẽ chứng kiến sự lặp lại các thương vụ M&A đình đám, có thể định hình thị trường như những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước (thời điểm giá dầu cũng ở mức thấp), và tạo nên tên tuổi của các ông lớn trong ngành dầu mỏ hiện nay như BP, Chevron và ExxonMobil.
Có thể kể đến một số thương vụ đã được thực hiện giai đoạn này như Halliburton (tập đoàn dịch vụ dầu mỏ) mua lại đối thủ Baker Hughes với giá 35 tỷ USD cuối tháng 11/2014, Repsol (Tây Ban Nha) cuối năm ngoái cũng đã mua lại Talisman Energy (Canada) với giá 8,3 tỷ USD, hay Giám đốc điều hành của Exxon Mobil, Rex Tillerson tháng trước đã úp mở rằng hãng đang chuẩn bị một vụ “áp phe” đình đám khác.
Sự tăng giá cổ phiếu của một số công ty dầu mỏ nhỏ hơn trên thị trường chứng khoán Anh cũng phát đi những tín hiệu về việc giới đầu tư đang chú ý tới các khả năng M&A đối với các công ty dầu khí.
Nhà nghiên cứu thị trường dầu mỏ Augustin Eden tại Accendo Markets nhận định: “Vụ Shell mua lại BG có thể đánh dấu bước khởi đầu của làn sóng M&A mới, như giai đoạn năm 1990, khi giá cổ phiếu của hàng loạt công ty dầu mỏ nhỏ đã tăng vọt do bị các hãng lớn hơn thâu tóm”.
Công ty thăm dò dầu mỏ và khí đốt Tollow Oil Plc được giới phân tích nhận định có thể là mục tiêu kế tiếp, khi giá cổ phiếu của hãng đã tăng 9% trên sàn chứng khoán London. Một số công ty năng lượng khác cũng đang nằm trong tầm với M&A là EnQuest Plc (giá cổ phiếu tăng 5,2%), Premier Oil Plc (tăng 2,5%) và Gulf Keystone Petroleum Ltd. (tăng 3,3%).
Bên cạnh đó, cả bốn công ty này có một điểm chung là giá trị cổ phiếu của họ đã giảm trên 50% kể từ mùa Hè năm ngoái do giá dầu mỏ sụt giảm mạnh.