Sau vụ Didi, ứng dụng gọi xe do Ant Group "chống lưng" hủy IPO tại Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
Hello hủy kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt chính sách đối với các công ty ra nước ngoài niêm yết.
Hello là nền tảng dịch vụ gọi xe do Tập đoàn Ant Group của tỷ phú Jack Ma hậu thuẫn. Ảnh: AFP Hello là nền tảng dịch vụ gọi xe do Tập đoàn Ant Group của tỷ phú Jack Ma hậu thuẫn. Ảnh: AFP

Theo hồ sơ thương vụ được hãng tin Reuters dẫn nguồn, nền tảng dịch vụ xe hai bánh và ô tô Hello do Tập đoàn Ant Group (Trung Quốc) hậu thuẫn, cho biết họ không còn muốn chào bán cổ phiếu tại thị trường Mỹ.

Một quan chức hàng đầu tại Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ hôm 27/7 cho biết, như một phần trong nghĩa vụ báo cáo thường xuyên, các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán ở Mỹ phải công khai bất kỳ rủi ro nào liên quan đến việc chính phủ Trung Quốc can thiệp vào hoạt động kinh doanh của họ.

Bình luận trên được đưa ra sau khi giới chức Trung Quốc tiến hành một cuộc đánh giá an ninh mạng đối với "gã khổng lồ" cung ứng dịch vụ gọi xe Didi Global của nước này. Didi Global được định giá 68 tỷ USD sau khi ra mắt trên Sàn giao dịch chứng khoán New York vào cuối tháng trước.

Sau vụ IPO của Didi, Trung Quốc có tuyên bố "nắn gân" đối với doanh nghiệp niêm yết ở nước ngoài. Theo đó, Bắc Kinh sẽ tăng cường giám sát các doanh nghiệp thực hiện niêm yết ở nước ngoài, Reuters dẫn tuyên bố hôm 6/7 của chính phủ Trung Quốc cho hay. Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh mở cuộc điều tra an ninh mạng đối với siêu ứng dụng gọi xe Didi Global.

Cụ thể hơn, Trung Quốc sẽ điều chỉnh quy định về bảo mật và luồng dữ liệu xuyên biên giới, trấn áp các hoạt động bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán và xử phạt hành vi phát hành chứng khoán gian lận, thao túng thị trường và giao dịch nội gián.

Trung Quốc cũng sẽ kiểm tra các nguồn vốn cho đầu tư chứng khoán và kiểm soát tỷ lệ đòn bẩy tài chính.

Ngoài công nghệ, trong động thái tăng cường giám sát lĩnh vực giáo dục trị giá 120 tỷ USD, Trung Quốc gần đây cũng đưa ra các quy định mới về dạy thêm được cho là gây tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của các công ty giáo dục tư nhân.

Thị trường vốn Mỹ là nguồn vốn sinh lợi quan trọng của các doanh nghiệp Trung Quốc trong thập kỷ qua nhưng rủi ro bị tăng cường giám sát giờ đây có thể cản đường các công ty Trung Quốc thực hiện niêm yết tại Mỹ.

Các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ từ lâu đã trở thành địa điểm niêm yết ưa thích của các công ty công nghệ Trung Quốc bởi tính thanh khoản sâu, định giá cao, quy tắc sinh lời dễ dàng hơn và uy tín.

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy, doanh nghiệp Trung Quốc đã thực hiện 34 thương vụ niêm yết tại Mỹ, tính đến thời điểm này, với tổng giá trị huy động lên mức kỷ lục 12,5 tỷ USD (không tính thương vụ niêm yết của Didi vào ngày 30/6).

Một nguồn thạo tin của Reuters cho hay, một số thương vụ IPO của doanh nghiệp Trung Quốc tại thị trường Mỹ đang phải tạm ngưng để chờ hướng dẫn từ Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục