Theo thông tin từ PVN, trong tháng 12/2015, PVN đã có văn bản gửi GPN thông báo hết hiệu lực các ràng buộc giữa PVN và GPN theo Thoả thuận Khung được ký ngày 6/4/2015 về hợp tác chuyển nhượng 49% phần vốn góp của PVN tại BSR. Đồng thời, thông báo kế hoạch triển khai cổ phần hoá BSR để mời GPN tham gia với tư cách cổ đông chiến lược.
Sau khi nhận được thông báo này, GPN vào ngày 29/12/2015 cũng đã trả lời “chính thức dừng việc đàm phán chuyển nhượng 49% phần vốn góp của PVN tại BSR và sẽ nghiên cứu cơ hội tham gia mua cổ phần trong tương lai”.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, lý do khiến cho thương vụ chuyển nhượng phần vốn của PVN tại BSR với GPN không thành công là bởi các ưu đãi về thuế nhập khẩu với sản phẩm lọc hoá dầu của BSR sẽ không được tiếp tục áp dụng sau năm 2018. Ngoài ra, các ưu đãi khác về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng đều được yêu cầu tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.
Trước đó, từ năm 2009, với Quyết định 1942/2009/QĐ-TTg, Chính phủ đã cho phép BSR được giữ lại giá trị ưu đãi tương đương thuế suất thuế nhập khẩu 3% với các sản phẩm hoá dầu, 5% với LPG, 7% với xăng dầu. Các năm tiếp theo, Chính phủ cũng tiếp tục cho BSR được hưởng cơ chế ưu đãi này và được cấp bù trong trường hợp Nhà nước quy định thuế suất thuế nhập khẩu thấp hơn mức ưu đãi và thời gian được áp dụng là đến hết năm 2018. Như vậy, BSR sẽ chỉ còn 3 năm nữa để hưởng ưu đãi này.
Để mua lại phần vốn góp của PVN tại BSR trong điều kiện Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2017 và được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu giữ lại như BSR trong 10 năm, cộng thêm cạnh tranh quyết liệt với xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN có mức thuế nhập khẩu thấp từ năm 2016, việc tìm ra lợi thế của BSR là rất cần thiết. Bởi vậy, GPN đã đưa ra không ít đề nghị ưu đãi về thuế được hưởng nếu mua 49% vốn nhà nước tại BSR.
Quay lại với BSR và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, có thể thấy, cơ chế ưu đãi thuế và bù thuế đã góp phần không nhỏ trong việc mang lại lợi nhuận cao cho BSR.
Trong báo cáo của PVN vào tháng 6/2015 với cơ quan hữu trách cho hay, từ khi hoạt động, tháng 5/2010 đến hết năm 2014, BSR lỗ 1.048 tỷ đồng. Số lỗ này được cho là khiêm tốn, bởi kết quả sản xuất, kinh doanh của BSR chịu tác động lớn của cơ chế ưu đãi.
Theo PVN, nếu không có cơ chế này, BSR chưa bao giờ có lãi, thậm chí liên tục thua lỗ, năm lỗ ít nhất trên 3.100 tỷ đồng, cao nhất là năm 2014 lỗ tới 7.136 tỷ đồng. Nghĩa là, trong giai đoạn tháng 5/2010 đến hết năm 2014, nếu không có khoản ưu đãi trên, Dung Quất lỗ lên tới 27.600 tỷ đồng.
Còn năm 2015, toàn BSR đạt tổng doanh thu hợp nhất là 94.400 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm. Tổng doanh thu của Công ty mẹ - BSR đạt 94.100 tỷ đồng, cũng bằng 100% kế hoạch năm nhưng lợi nhuận lại đạt con số rất khủng.
Theo đó, lợi nhuận hợp nhất sau thuế cả năm 2015 của BSR đạt 5.690 tỷ đồng, vượt tới 52% kế hoạch. Nếu tính riêng Công ty mẹ - BSR, lợi nhuận sau thuế cũng không có biến động nhiều với 5.860 tỷ đồng, vượt 54% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của công ty mẹ - BSR là 20,6%.
Trước đó năm 2014, tỷ suất này là 0,6%.
Việc BSR không còn được hưởng các ưu đãi thuế nhập khẩu để lại và bù lỗ khi thuế nhập khẩu xăng dầu thấp hơn ưu đãi từ sau năm 2018 cũng là một thách thức không nhỏ với chính doanh nghiệp này trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, trong năm 2017, Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn quy mô 10 triệu tấn dầu thô/năm sẽ chính thức đi vào vận hành. Còn ngay trong năm 2016, áp lực cạnh tranh của xăng dầu nhập khẩu tiếp tục gia tăng với BSR khi thuế nhập khẩu dầu diesel và Jet A1 từ ASEAN bắt đầu về 0%. Tại BSR, tỷ trọng của dầu diesel với Jet A1 chiếm gần 50% sản lượng của nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Việc BSR không còn được hưởng các ưu đãi thuế nhập khẩu để lại và bù lỗ khi thuế nhập khẩu xăng dầu thấp hơn ưu đãi từ sau năm 2018 cũng là một thách thức không nhỏ
Một điểm đáng nói nữa là BSR đang song song triển khai Dự án rộng và nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lên quy mô 8,5 triệu tấn dầu thô/năm với số vốnđầu tư 1,9 tỷ USD. Ngoài mở rộng sản lượng chế biến, BSR cũng muốn thông qua Dự án này để đa dạng hoá nguồn dầu thô đầu vào, thay vì phụ thuộc lớn vào dầu thô chất lượng cao từ Bạch Hổ như hiện nay. Tuy nhiên, với nhu cầu vốn đầu tư gần 2 tỷ USD và có được nguồn dầu thô đầu vào ổn định, lâu dài, việc tìm kiếm những cổ đông chiến lược nước ngoài tiếp tục là mục tiêu của BSR.
Trước khi chính thức nói lời kết thúc đàm phán bán vốn nhà nước với GPN, vào tháng 11/2015, PVN đã công bố quyết định sẽ cổ phần hoá BSR.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện BSR cũng cho hay, mục tiêu là sẽ thực hiện cổ phần ngay trong năm 2016 và mời chào tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Được biết, BSR nằm trong lĩnh vực mà nhà nước vẫn nắm giữ 65% vốn điều lệ khi doanh nghiệp tiến hành cổ phần hoá.