Tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố quyết định chấp thuận việc sáp nhập Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Sau sáp nhập, SHB “mới” sẽ có vốn điều lệ là 8.865,79 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 100.000 tỷ đồng với tổng số nhân viên lên tới 5.000 người tại 54 chi nhánh và 150 phòng giao dịch.
Nếu SHB lập quỹ dự phòng cho cả các khoản lỗ của HBB thì vốn chủ sở hữu của ngân hàng mới Sahabank sẽ giảm xuống còn 5.872 tỷ đồng, mức thấp hơn vốn điều lệ. Trên thực tế, NHNN đã cho phép SHB lập quỹ dự phòng cho các khoản lỗ lũy kế của HBB trong vòng 5 năm nếu SHB có thể huy động được nguồn vốn mới trong vài năm tới.
HBB hiện vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2012. Tuy nhiên, theo báo cáo kiểm toán của HBB trước khi sáp nhập, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đã lên tới 16,06% tổng dự nợ vào cuối tháng 2/2012. Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá của NHNN, con số này có thể đã lên tới 32,06% nếu tính cả các rủi ro tín dụng.
Theo đánh giá của SSIResearch, các vấn đề tồn tại xung quanh vụ sáp nhập này bao gồm:
- Tỷ lệ nợ khó đòi của ngân hàng mới khó xác định
- Mức độ hỗ trợ của NHNN hiện vẫn chưa rõ ràng
- Trong vài năm tới, SHB có thể sẽ cần bổ sung nguồn vốn nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu và đạt được các yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn
- Khả năng lãnh đạo của SHB với ngân hàng lớn
Được biết, trong bản báo cáo ra ngày 9/7 vừa qua, Moody's vẫn giữ nguyên định mức B2 đối với tiền gửi và tổ chức phát hành nợ và xếp hạng sức mạnh độc lập tài chính (BFSR) của SHB vẫn ở mức E +.
Tuy nhiên, hãng này đã hạ triển vọng của ngân hàng xuống mức “tiêu cực". Nguyên nhân là do những bất ổn xung quanh việc SHB nhận sáp nhập Habubank, đặc biệt là khi xét đến chất lượng tài sản khi 2 ngân hàng này đã sáp nhập và khả năng liệu lợi nhuận có đủ để đáp ứng khoản dự phòng cần thiết do chất lượng các khoản vay của Ngân hàng Habubank khá yếu.
Trước khi sáp nhập, Habubank đang lâm vào tình trạng thanh khoản kém và tỷ lệ nợ xấu tăng cao do ảnh hưởng từ vụ Vinashin. Việc sáp nhập thành công sẽ mang lại hiệu ứng tích cực giúp tăng niềm tin vào hệ thống ngân hàng Việt Nam và mở đường cho những thương vụ tái cấu trúc khác trong hệ thống. Theo đó, NHNN đóng vai trò cực kỳ quan trọng đảm bảo thành công trong quá trình tái cấu trúc này.
Theo SSIResearch, với sự hỗ trợ của NHNN và Bộ Tài chính, tỷ lệ lãi biên của ngân hàng mới Sahabank có thể sẽ tăng, bên cạnh đó, ngân hàng này có thể sẽ lại được tiếp cận với nguồn vốn mới.
Ngay trong ngày giao dịch đầu tiên sau khi tiến hành sáp nhập (17/8), HNX cho biết có thể sẽ tăng biên độ của SHB lên +/- 30% từ ngưỡng +/- 7% hiện tại nhằm phản ánh giá trị thị trường mới của SHB sau khi tiến hành sáp nhập với HBB.
Thương vụ M&A tiếp theo
Trong thời gian gần đây, có một số thông tin cho rằng Công ty Tài chính dầu khí Việt Nam (PVF) đang có kế hoạch mua lại cổ phần của Western Bank, vốn được phân loại là một trong những ngân hàng yếu. Nếu điều này trở thành hiện thực, PVF sẽ chuyển đổi từ một công ty tài chính sang ngân hàng thương mại cổ phần.