Sau Petro, Sabeco, đến lượt ông lớn Vinatex ‘ôm’ ngàn tỷ gửi ngân hàng

Sau Petro Việt Nam và Sabeco, đến lượt “ông lớn” Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) “ôm” ngàn tỷ gửi ngân hàng.

Gần đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Việt Nam) và Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được nhắc đến nhiều không phải bởi những khoản lợi nhuận khủng mà vì ôm hàng chục ngàn tỷ đi gửi ngân hàng.

Động thái này của các ông lớn Nhà nước đi liền với nhiều hoạt động đầu tư kém hiệu quả. Cả Petro Việt Nam và Sabeco đều “mắc kẹt” với ngân hàng. Sau Petro Việt Nam và Sabeco, đến lượt “ông lớn” Nhà nước Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) “ôm” ngàn tỷ gửi ngân hàng và cũng phải “treo” số tiền không nhỏ vì rót vốn vào ngân hàng.

“Ôm” tiền gửi ngân hàng

Theo báo cáo tài chính giữa niên độ cho kỳ sáu tháng kết thúc vào ngày 30/6/206, tại thời điểm cuối quý/2016, Vinatex có 2.447 tỷ đồng tiền. Trong đó, chỉ có 18 tỷ đồng tiền mặt. Số tiền còn lại là các khoản tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng.

Trong 2.429 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và các khoản tương đương tiền có 107 tỷ đồng đã được dùng để thế chấp ngân hàng để bảo đảm cho các khoản vay của Tập đoàn.

Ngoài ra, Vinatex còn có 222 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Đây là các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng và hưởng lãi suất từ 4,5% đến 6,5%.

Không chỉ ôm tiền đi gửi ngân hàng, Vinatex còn cho các công ty liên quan vay hàng trăm tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý 2/2016, phải thu về cho vay ngắn hạn có giá trị 215 tỷ đồng. Trong đó, công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phong Phú vay nhiều nhất với số tiền lên tới 169,3 tỷ đồng. Vinatex cho biết các khoản cho vay này được hưởng lãi suất từ 0% đến 11%.

Nhờ ôm lượng tiền khủng cho vay nên Vinatex doanh thu hoạt động tài chính của Tập đoàn này là con số khá cao 148,5 tỷ đồng. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là lãi tiền gửi và lãi cho vay. Chỉ tiêu này đạt 60,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cho vay nhiều đồng nghĩa với việc đối mặt với rủi ro. Khoản phải thu của Vinatex tại công ty cổ phần Dệt may Hapaco Hải Phòng và tại công ty TNHH Một thành viên Dệt 19/5 Hà Nội và một số đối tượng khác lên tới 23,3 tỷ đồng. Vinatex xác định đây là khoản nợ không có khả năng thu hồi.

Tất bật vay nợ

Mặc dù ôm hàng ngàn tỷ đồng gửi tiết kiệm và cho vay nhưng Vinatex cũng trở thành “con nợ” của ngân hàng. Cuối quý 2, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Vinatex đạt 4.135,7 tỷ đồng, tăng 251 tỷ đồng so với đầu năm. Các khoản tiền vay này có lãi suất từ 1,2% tới 9%/năm.

Ngoài ra, Vinatex còn sở hữu khoản vay, trái phiếu phát hành và nợ thuê tài chính dài hạn lên tới 4.556,2 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ vay của Vinatex là 8.691,9 tỷ đồng. Các khoản vay này chịu lãi suất từ 2,88% tới 11%/năm.

Trong đó đáng chú ý nhất là khoản vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á với giá trị ghi sổ là 1.377 tỷ đồng. Khoản vay này có hạn mức là 105 triệu USD và chịu lãi suất năm thả nổi được điều chỉnh 6 tháng một lần.

Đây là khoản vay quan trọng. Hàng năm, Vinatex phải lập báo cáo tài chính của dự án được tài trợ bởi khoản vay này và báo cáo tình hình tuân thủ với các điều khoản của các Hiệp định vay có liên quan. Các báo cáo này cần được kiểm toán và soát xét bởi một đơn vị kiểm toán độc lập.

Vì đi vay nhiều nên Vinatex phải gánh khoản chi phí lãi vay khá lớn. Trong 6 tháng đầu năm nay, chi phí lãi vay tại Vinatex là 175,6 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của Vinatex chỉ là 303,1 tỷ đồng. Có thể thấy lãi vay góp phần “ăn mòn” lợi nhuận của ông lớn dệt may này.

Theo VOV/VTC News

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục