Sau “nội chiến” âm ỉ, tương lai Bibica (BBC) có sáng

Những năm qua, kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Bibica (mã BBC) hầu như không tăng trưởng, trong bối cảnh mâu thuẫn dai dẳng giữa nhóm cổ đông lớn trong nước và nước ngoài.

Khó khăn

Kết thúc năm 2020, báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Bibica cho biết, doanh thu thuần chỉ đạt 1.246,5 tỷ đồng, giảm 17,1% so với thực hiện năm 2019, tương ứng hoàn thành 69% kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông đề ra (1.800 tỷ đồng), đánh dấu sự sụt giảm doanh thu lần đầu tiên trong vòng 8 năm trở lại đây.

Biên lợi nhuận gộp giảm 3,45 điểm phần trăm so với năm 2019, xuống mức 28,71%, khiến lợi nhuận gộp của Công ty giảm sâu hơn, ở mức 26%. Đây là mức biên lợi nhuận thấp nhất của Công ty trong những năm gần đây.

Dù chi phí bán hàng đã giảm 22,2% so với năm 2019, tuy vậy, lợi nhuận gộp giảm sâu cùng chi phí quản lý gia tăng khiến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (chưa bao gồm tài chính) thu về chỉ đạt 25,2 tỷ đồng, giảm đến gần 3/4 so với thực hiện năm 2019. Điều này phản ánh một năm kinh doanh đầy khó khăn với Bibica. Thậm chí, trong quý II/2020, lần đầu tiên, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của Công ty rơi vào mức âm.

Trong bối cảnh đó, lợi nhuận hoạt động khác đã trở thành trụ đỡ cho Công ty khi tăng gần 8 lần so với năm 2019, đạt hơn 79 tỷ đồng. Chủ yếu nhờ ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất Bibica Miền Bắc trong quý II/2020. Nhờ khoản lợi nhuận này đã giúp Công ty đạt 121,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm, vượt 11% kế hoạch đề ra và tăng trưởng gần 1% so với thực hiện năm 2019.

Không chỉ phản ánh khó khăn qua doanh thu, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính sụt giảm, bức tranh dòng tiền của Công ty cũng cho thấy sự tiêu cực khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm đến 433,4 tỷ đồng trong năm 2020, chủ yếu do nhu cầu vốn lưu động gia tăng khi các khoản chiếm dụng vốn từ người bán và người mua trả tiền trước giảm mạnh, trong khi giá trị các khoản phải thu, tồn kho cùng tăng.

Để đáp ứng áp lực vốn này, một mặt Công ty đã phải tăng vay nợ ròng thêm 182,4 tỷ đồng trong năm 2020, mặt khác là giá trị tiền và tiền gửi các loại cũng giảm mạnh từ 437,6 tỷ đồng đầu năm, xuống chỉ còn 168 tỷ đồng đến cuối năm 2020. Đây cũng là năm đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, Bibica phải sử dụng đến dòng vốn vay, trong khi đó hoạt động chi trả cổ tức tiếp tục được tạm ngưng năm thứ 2 liên tiếp.

Triển vọng nào sau khi mâu thuẫn nội bộ được giải quyết

Thành lập năm 1999 với vốn điều lệ 25 tỷ đồng, Bibica đã từng bước vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành bánh kẹo Việt Nam, với khoảng 8% thị phần.

Với vị thế là một trong những thương hiệu bánh kẹo nội địa đầu ngành, sự tham gia của Lotte Confectionery, thành viên của Lotte Group, một trong những công ty bánh kẹo hàng đầu của Hàn Quốc trong vai trò nhà đầu tư chiến lược từ năm 2008 với việc mua vào 30% cổ phần của Bibica, sau đó tăng lên hơn 44%, từng được kỳ vọng sẽ giúp thương hiệu Bibica vươn lên mạnh mẽ.

Thực tế, từ sau khi có sự tham gia của Lotte, kết quả kinh doanh của Bibica cũng khá tích cực với tốc độ tăng trưởng doanh thu 2 chữ số trong giai đoạn 2009 - 2011. Tuy vậy, từ năm 2012, tình hình bắt đầu xấu đi khi mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông nội và ngoại xuất hiện, nhất là từ sau khi CTCP thực phẩm PAN (PAN Food) trở thành nhóm cổ đông lớn thứ hai - đối trọng với cổ đông Lotte.

Mâu thuẫn nội bộ kéo dài đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh, đầu tư và dẫn đến dấu hiệu hụt hơi của Bibica trong cuộc cạnh tranh với các thương hiệu bánh kẹo trong nước và nước ngoài khác, khi các đối thủ đẩy mạnh đầu tư. Kết quả là doanh thu của Bibica giai đoạn 2013 - 2019 chỉ tăng trưởng bình quân 6,1%, thấp hơn mức tăng bình quân của thị trường chung. Lợi nhuận của Công ty trong 4 năm trở lại đây cũng hầu như không tăng.

Trong bối cảnh đó, việc giải quyết bài toàn mâu thuẫn nội bộ được kỳ vọng sẽ đem lại cho Bibica làn gió mới.

Ngay trước thời điểm kết thúc năm 2020, cổ đông lớn Lotte Confectionery đã hoàn tất bán toàn bộ gần 6,8 triệu cổ phiếu BBC đang nắm giữ, tương ứng 44,03% vốn tại doanh nghiệp. Bên mua trong giao dịch này là các cổ đông trong nước và đến nay không có tổ chức/cá nhân nào công bố trở thành cổ đông lớn mới tại Bibica, cũng như PAN Food không công bố tăng tỷ lệ sở hữu, song khó có khả năng có một nhóm cổ đông mới trở thành đối trọng với PAN tại Bibica.

Việc Lotte thoái vốn, qua đó chính thức chấm dứt cuộc “nội chiến” âm ỉ kéo dài nhiều năm đang được kỳ vọng sẽ giúp Bibica bước vào giai đoạn tăng trưởng mới nhờ sự thống nhất đường lối chính sách, định hướng phát triển doanh nghiệp.

Tuy vậy, Bibica cũng sẽ phải đối mặt áp lực cạnh tranh không nhỏ từ nhiều doanh nghiệp lớn trong nước như Mondelez Kinh Đô đã đẩy mạnh đầu tư, phát triển thương hiệu những năm qua, hay CTCP Tập đoàn Kido mới đây cũng quay trở lại mảng bánh kẹo sau nhiều năm chia tay. Cùng với đó là áp lực cạnh tranh từ bánh kẹo nhập khẩu ngày càng tăng sau khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia có hiệu lực đã cắt giảm hàng rào thuế quan, giúp sản phẩm bánh kẹo từ các nước không ngừng tăng số lượng.

Lâm Vũ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục