Các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ liên tục tung ra báo cáo kinh doanh quý II khởi sắc cùng với sự hồi phục mạnh mẽ của kinh tế Mỹ đang tạo nên tâm lý lạc quan trên phố Wall rằng, thị trường chứng khoán Mỹ còn tiếp tục tăng nữa, cho dù nhiều nhà đầu tư vẫn còn đặt câu hỏi liệu các công ty có thể vượt những ngưỡng cao về tăng trưởng hay không.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II cho thấy lợi nhuận, doanh thu và tỷ suất sinh lời của các công ty Mỹ đang tăng trưởng mạnh nhất kể từ khi FactSet bắt đầu theo dõi các tiêu chí này năm 2008.
Kết quả đó giúp đưa thị trường chứng khoán lên những đỉnh mới, với S&P 500 tăng hơn 18% trong năm nay. Chỉ số này đã tăng lên gần gấp đôi so với đáy của nó vào tháng 3/2020, khi dịch bệnh lan ra toàn cầu và các lệnh phong tỏa để đối phó với Covid-19 đẩy thị trường tài chính toàn cầu vào hoảng loạn.
“Tăng trưởng kinh tế đang ở tốc độ tốt nhất chúng tôi từng thấy trong nhiều thập kỷ và đó là lực đẩy to lớn cho lợi nhuận”, Russ Koesterich, nhà quản lý danh mục đầu tư tại BlackRock, nói.
Giới phân tích tại Goldman Sachs và Credit Suisse gần đây đều nâng dự báo 12 tháng cho S&P 500 dựa theo mức điều chỉnh tăng trưởng lợi nhuận. Họ đưa ra giá mục tiêu cho S&P 500 trong 12 tháng tới là 4.949 điểm, kỳ vọng tăng 11%, theo FactSet.
“Chúng tôi đôi khi đưa ra những nhận định tích cực hơn so với thực tế đối với cổ phiếu toàn cầu nhưng chính chúng tôi cũng bất ngờ trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của lợi nhuận các công ty trong quý 2 và chúng tôi cần phản ánh điều đó”, Sharon Bell, chiến lược gia cổ phiếu tại Goldman Sachs, cho biết.
Với nhà đầu tư, câu chuyện trên mang nhiều tính thử thách nhiều hơn, do thị trường chứng khoán đã phản ánh vào giá nhiều sự lạc quan và định giá hiện tại đã ở mức cao kỷ lục.
“Đó là một quý thực sự tuyệt vời cho S&P 500 và câu hỏi đặt ra là thị trường sau đó sẽ thế nào? Sẽ rất khó để các công ty duy trì kết quả cao như vậy và định giá tại Mỹ giờ có vẻ đắt so với thế giới”, ông David Kelly, Giám đốc chiến lược toàn cầu tại JPMorgan Asset Management chia sẻ.
Đầu năm 2021, S&P 500 giao dịch ở mức P/E bằng 22,7. Nhờ tăng trưởng vượt trội so với thị trường chung, con số trên hiện còn 21,1 lần nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình 5 năm 18,1 lần.
Mức P/E dự phóng 12 tháng của S&P 500 từ 2011 đến nay. |
Tốc độ tăng trưởng của P/E phải cân bằng với định giá cổ phiếu, Tim Murray, chiến lược gia thị trường vốn thuộc nhóm đa tài sản tại T Rowe Price, nhận định.
“Nghĩa là khi lợi nhuận vượt dự báo thì khả năng tăng giá của cổ phiếu đó sẽ ít hơn trong tương lai, thậm chí khả năng giảm giá lớn hơn nếu kết quả kinh doanh trong tương lai không được như kỳ vọng”.
Trong khi thị trường đang không giao dịch với định giá rẻ, Koesterich nói, nhiều công ty với dòng tiền lớn có trụ sở tại Mỹ sẽ duy trì tăng trưởng doanh thu ổn định khi nền kinh tế tăng trưởng vượt xu hướng - tức trên 2% - trong năm 2022 và lãi suất giữ ở mức thấp.
Nhà đầu tư còn theo dõi tỷ suất lợi nhuận, thước đo này của các công ty trong S&P 500 đã lên kỷ lục 13% trong quý II/2021, tăng từ 12,8% quý trước đó, và là cao nhất từ khi FactSet bắt đầu theo dõi năm 2008.
Koesterich cho biết, “tỷ suất lợi nhuận” giữ tốt trong quý II nhưng sang những quý tới áp lực sẽ gia tăng - liệu các công ty có vượt qua được thách thức như chi phí đầu vào tăng ví dụ như lương - đó sẽ là bài kiểm tra đối với các cổ phiếu và mức định giá cao.
“Không có gì là tạm thời đối với lạm phát tiền lương và các nỗ lực từ Fed để giảm tỷ lệ thất nghiệp, sẽ khiến lương tăng cao hơn và gây áp lực đến biên lợi nhuận doanh nghiệp”, Kelly nói
Một trở ngại nữa cho lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ là khả năng các công ty phải trả thuế nhiều hơn dưới thời Tổng thống Joe Biden.
"Lợi nhuận dường như đã đạt đỉnh và chúng ta sẽ chứng kiến sự chững lại trong vài tháng tới, khi giá các khoản thuế tăng lên”, Lale Akoner, chiến lược gia thị trường cấp cao tại BNY Mellon Investing Management, cho biết. “Tôi dự báo thị trường sẽ tính đến yếu tố thuế trong tháng 9 hoặc 10”.