Sau lợn, cá sấu cũng mong được “giải cứu“

Hiện giá cá sấu vẫn ở mức phổ biến 65.000 - 85.000 đồng/kg nhưng bị tồn đọng khiến người dân bày tỏ mong muốn được “giải cứu” vì bị lỗ nặng.
Tại một cơ sở chế biến cá sấu Tại một cơ sở chế biến cá sấu

Hiện nhiều đơn vị sản xuất cá sấu giống cũng đang đối mặt khó khăn bởi giá giảm mạnh. Theo ông Nguyễn Văn Thành - chủ nhiệm HTX cá sấu giống Nam Bộ (Hóc Môn, TP HCM), thời điểm này giá cá sấu giống 3 tháng tuổi bán ra chỉ ở mức 250.000 - 300.000 đồng/con, chưa bằng phân nửa hai năm trước nhưng rất ít người mua. Theo ông Thành, với mức giá cá sấu giống này, hiện đơn vị đang bị thua lỗ nặng.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cũng cho biết dù số lượng đăng ký nuôi mới đang giảm mạnh khi từ đầu năm đến nay toàn tỉnh chỉ có khoảng 1.400 con được thả nuôi, bằng 20-25% so với năm ngoái, nhưng toàn tỉnh hiện vẫn còn tới 178.000 con đang trong độ tuổi xuất bán.

Dù kêu bán đàn cá sấu gần 100 con từ năm ngoái tới nay, nhưng bà Ngô Thị Nhài (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) vẫn chưa bán được. Bà và rất nhiều người dân xung quanh vay tiền ngân hàng nuôi cá sấu nhưng do cá sấu rớt giá, không bán được nên người nuôi không có khả năng trả nợ.

Trước thực tế heo đang được “giải cứu”, trả lời câu hỏi về giải pháp, bà Nhài đề nghị Nhà nước cũng cần hỗ trợ khoanh hoặc giãn nợ vay cho hộ nuôi cá sấu.

Ông Nguyễn Văn Thành cũng cho rằng cần hỗ trợ người nuôi và nhà thu mua chế biến da cá sấu làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hoặc xúc tiến mở rộng các thị trường đang nhập da cá sấu muối. Ngoài ra, thịt cá sấu bổ dưỡng, xương cá sấu có thể dùng nấu cao nên có thể vận động người dân sử dụng phổ biến hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Lan, thương lái chuyên mua cá sấu tại Sa Đéc (Đồng Tháp), gần 90% cá sấu Việt Nam xuất sống qua Trung Quốc nhưng tình hình vẫn khá ảm đạm. Bà Lan cho rằng, cần phải cấp phép xuất khẩu chính ngạch dễ dàng hơn, bởi hiện mỗi lô cá sấu muốn xuất có thể mất nhiều tháng.


baodautu.vn/VOV/Tuổi trẻ

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục