Cụ thể, ngày 17/11, nhóm quỹ Dragon Capital mua vào 4,2 triệu cổ phiếu KBC để nâng sở hữu từ 5,7% lên 6,25% vốn điều lệ. Trong đó, Wareham Group Limited mua vào 3,5 triệu cổ phiếu; Vietnam Enterprise Investments Limited mua vào 1 triệu cổ phiếu; Grinling International Limited mua vào 0,5 triệu cổ phiếu; trong khi Norges Bank bán ra 0,8 triệu cổ phiếu.
Tới ngày 18/11, nhóm Dragon Capital lại bán ra 3,7 triệu cổ phiếu KBC để giảm sở hữu từ 6,25% về còn 5,77% vốn điều lệ. Trong đó, Vietnam Enterprise Investments Limited bán ra 2,5 triệu cổ phiếu; Amersham Industries Limited bán ra 1 triệu cổ phiếu; và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity) bán ra 0,2 triệu cổ phiếu.
Trước đó, ngày 15/11, nhóm quỹ liên quan tới Dragon Capital vừa mua vào 12,8 triệu cổ phiếu KBC để nâng sở hữu từ 4,06% lên 5,7% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn. Trong đó, Amersham Industries Limited mua vào 11 triệu cổ phiếu KBC; Vietnam Enterprise Investments Limited mua vào 2,5 triệu cổ phiếu KBC; DC Developing Markets Strategies Public Limited Company bán ra 500.000 cổ phiếu; và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity) bán ra 200.000 cổ phiếu KBC.
Cổ phiếu KBC sau chuỗi ngày giảm mạnh về dưới ngưỡng 14.000 đồng, đã bắt đầu hồi phục trở lại kể từ phiên 11/11. Trong phiên 15/11, cổ phiếu KBC đóng cửa ở mức 15.000 đồng/cổ phiếu; phiên 17/11 đóng cửa ở mức 16.050 đồng/cổ phiếu (cao nhất là 16.400 đồng, thấp nhất là 15.500 đồng/CP); phiên 18/11, cổ phiếu KBC đóng cửa ở mức 16.400 đồng, mức cao nhất trong ngày, trong khi mức thấp nhất là 15.200 đồng/CP.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/11, cổ phiếu KBC tăng 50 đồng lên 16.850 đồng/cổ phiếu.
Ở một diễn biến khác, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc vừa đăng ký mua vào 25 triệu cổ phiếu KBC để nâng sở hữu từ 14,81% vốn điều lệ lên 18,07% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 15/11 đến ngày 14/12.
Lãi đột biến quý III từ đánh giá lại khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng
Trong quý III/2022, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu đạt 203,23 tỷ đồng, giảm 37,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1.936,23 tỷ đồng, tăng 1.995,52 tỷ đồng so với cùng kỳ (cùng kỳ lỗ 59,29 tỷ đồng). Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 48,9% về còn 47,9%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 38,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 61,61 tỷ đồng về 97,3 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 127,6%, tương ứng tăng thêm 46,71 tỷ đồng lên 83,33 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 20,8%, tương ứng giảm 37,09 tỷ đồng về 140,83 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết ghi nhận 1.997,23 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 0,99 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 44,3%, tương ứng tăng thêm 23,17 tỷ đồng lên 75,45 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu đạt 1.288,53 tỷ đồng, giảm 58,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.136,51 tỷ đồng, tăng 191,4% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, lợi nhuận quý III tăng chủ yếu do lãi từ công ty liên doanh, liên kết. Được biết, Công ty có lý giải nguyên nhân lợi nhuận tăng do công ty ghi nhận thu nhập từ chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh.
Trong năm 2022, Kinh Bắc đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 9.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành 47,5% kế hoạch lợi nhuận năm.