Sau khi cấm xuất khẩu lúa mì, Ấn Độ đang có kế hoạch hạn chế xuất khẩu đường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi cấm xuất khẩu lúa mì, Ấn Độ đang có kế hoạch hạn chế xuất khẩu đường như một biện pháp phòng ngừa để bảo vệ nguồn cung cấp thực phẩm trong nước.
Sau khi cấm xuất khẩu lúa mì, Ấn Độ đang có kế hoạch hạn chế xuất khẩu đường

Nguồn tin cho biết, Ấn Độ đang có kế hoạch giới hạn xuất khẩu đường ở mức 10 triệu tấn kéo dài đến tháng 9. Mục đích là để đảm bảo có đủ kho dự trữ trước khi mùa đường tiếp theo bắt đầu vào tháng 10.

Nguồn tin cho biết, động thái này có thể được công bố trong những ngày tới. Tính theo số liệu năm 2021, Ấn Độ là nhà xuất khẩu đường thứ hai thế giới sau Brazil. Trong đó, Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Dubai là những khách hàng hàng đầu của Ấn Độ.

Đầu tháng này, Ấn Độ đã khiến thế giới bất ngờ khi hạn chế xuất khẩu lúa mì sau khi đợt nắng nóng phá hủy một số loại cây trồng, khiến giá lúa mì tăng vọt. Các biện pháp cấm xuất khẩu ra nước ngoài của các chính phủ, đặc biệt là ở châu Á đã tăng lên trong những tuần gần đây kể từ khi xung đột Nga-Ukraine làm gia tăng thêm giá lương thực toàn cầu vốn đã tăng vọt.

Các biện pháp gần đây khác của các chính phủ ở châu Á là lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia và Malaysia ngừng xuất khẩu thịt gà ra nước ngoài.

Việc hạn chế xuất khẩu đường dường như là một trường hợp hết sức thận trọng của Ấn Độ, bởi nguồn cung trong nước vẫn khá dồi dào. Theo Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ, Ấn Độ dự kiến ​​sẽ sản xuất 35 triệu tấn trong mùa này và tiêu thụ 27 triệu tấn. Bao gồm cả kho dự trữ của mùa trước khoảng 8,2 triệu tấn, nước này hiện có thặng dư 16 triệu tấn, bao gồm cả 10 triệu tấn cho xuất khẩu.

Các nhà máy đường có xu hướng dựa vào trợ cấp của chính phủ để thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, giá đường trên toàn cầu đã tăng gần 20% trong năm qua, điều này cho phép Ấn Độ tăng lượng xuất khẩu mà không cần trợ cấp. Dự kiến ​​xuất khẩu của Ấn Độ sẽ đạt từ 9 - 11 triệu tấn trong mùa này.

Michael McDougall, Giám đốc điều hành của Paragon Global Markets LLC cho biết: “Mức kỳ vọng xuất khẩu mùa này lên tới 11 triệu tấn, vì vậy các nhà xuất khẩu hy vọng quota sẽ bằng với mức kỳ vọng. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến ​​khác nhau về mức quota đường xuất khẩu".

Các công ty đã ký thỏa thuận xuất khẩu 8,5 triệu tấn kể từ ngày 1/10/2021. Ước tính có khoảng 7,1 triệu tấn đã được vận chuyển vào cuối tháng 4 và 800.000 đến 1 triệu tấn khác có thể sẽ vào tháng 5.

"Việc hạn chế xuất khẩu đường sẽ ít gây gián đoạn hơn cho các hoạt động của thị trường, không bất ngờ như lệnh cấm xuất khẩu lúa mì", Somit Banerjee, người đứng đầu bộ phận giao dịch tại Al Khaleej Sugar Co cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục