Mới đây Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã yêu cầu các bộ, UBND cấp tỉnh, hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước phối hợp, đôn đốc DN khẩn trương hoàn tất đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 1/11/2016. Để triển khai chỉ đạo này, Bộ Tài chính đang làm gì, thưa ông?
Trong phạm vi, chức trách được giao, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, UBND cấp tỉnh rà soát, tổng hợp danh sách các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, IPO, nhưng đến nay chưa đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM, hoặc chưa niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX). Trên cơ sở đó, Bộ sẽ đề xuất phương án xử lý nghiêm, không thể để kéo dài tình trạng DN vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn suốt nhiều năm qua.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đang rà soát, báo cáo nên đến nay chưa có con số cuối cùng. Tuy nhiên, số DN sau IPO vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn là khá nhiều. Sự chậm trễ này không chỉ có trách nhiệm của ban lãnh đạo DN, mà còn có cả trách nhiệm của bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN.
Với các DN vi phạm thời hạn đưa cổ phiếu lên sàn theo Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ rõ, người đứng đầu DN, cũng như các cán bộ ở các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh liên quan phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để chấn chỉnh, tạo sức răn đe, qua đó thúc đẩy các DN sớm lên sàn.
Các biện pháp như ông nói phần nhiều dừng ở giải pháp hành chính là nhắc nhở, đôn đốc các DN, bộ, ngành đưa DN lên sàn, mà chưa có chế tài xử lý, nên có ý kiến cho rằng, tình trạng DN chây ì đưa cổ phiếu lên sàn sẽ còn tiếp diễn?
Chế tài xử lý DN vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Bộ Tài chính đề xuất tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 108/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. Dự thảo này sắp được Chính phủ ban hành, trong đó chế tài được ban soạn thảo đề xuất là đủ sức răn đe. Sau khi chế tài này được ban hành và đưa vào áp dụng, UBCK sẽ tăng cường kiểm tra, qua đó kịp thời phát hiện các DN vi phạm nghĩa vụ lên sàn để xử phạt, tạo sức răn đe.
Thực tế, các giải pháp trên là để giải quyết “sự đã rồi”- các DN đã IPO từ lâu nhưng đến nay chưa lên sàn. Bên cạnh đó, để không phát sinh các DN mới cổ phần hóa, IPO trốn tránh nghĩa vụ lên sàn, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 115/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 196/2011/TT-BTC hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các DN 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần. Giải pháp mới ở đây là gì thưa ông?
Có hiệu lực từ ngày 1/11/2016, điểm mới quan trọng của Thông tư 115/2016 so với quy định hiện hành là khi DN cổ phần tiến hành IPO qua sở GDCK phải đồng thời thực hiện đăng ký lưu ký và đăng ký giao dịch cổ phần. Có nghĩa là 3 hoạt động được tiến hành riêng rẽ trước đây là IPO, đăng ký lưu ký và đăng ký giao dịch nay được tích hợp thành 1 hoạt động thống nhất, buộc DN sau IPO phải đưa cổ phiếu vào giao dịch ngay. Theo quy định mới tại Thông tư 115, trong vòng 25 ngày (thời gian hoàn tất thủ tục) kể từ sau khi kết thúc IPO, các DN phải hoàn tất đưa cổ phiếu lên sàn.
Thực hiện chỉ đạo rốt ráo của Bộ Tài chính, đến thời điểm này, HNX đã hoàn tất chuẩn bị về mọi mặt để triển khai Thông tư 115/2016. Do đó, tới đây, cùng với việc tình trạng DN chây ì lên sàn sẽ dần được khắc phục, sẽ không phát sinh các trường hợp mới sau IPO vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn, vì IPO gắn liền với lên sàn và việc này do HNX phối hợp với Trung tâm lưu ký chủ động triển khai, chứ DN không có quyền quyết định lên hay không lên sàn. Đã là IPO thì đương nhiên được hiểu là lên sàn như thông lệ quốc tế.