Sau H&M, sao Hoa ngữ quay sang "ném đá" Hugo Boss

0:00 / 0:00
0:00
Ít nhất 3 nhân vật có tiếng trong Showbiz Hoa ngữ hôm 27/3 "quay lưng" với Hugo Boss, biến hãng thời trang Đức trở thành thương hiệu "ngoại" mới nhất bị người tiêu dùng Trung Quốc đồng loạt tẩy chay.
Góc cửa hàng Hugo Boss tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 27/3. Ảnh: Reuters Góc cửa hàng Hugo Boss tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 27/3. Ảnh: Reuters

Nguồn cơn của làn sóng tẩy chay hàng hiệu "ngoại" gần đây dâng cao tại Trung Quốc sau khi nhiều nước phương Tây cáo buộc vấn đề lao động cưỡng bức ở khu tự trị Tân Cương.

Trong số những sao Hoa Ngữ chấm dứt hợp đồng với Hugo Boss lần này có nam diễn viên tên tuổi Lý Dịch Phong. Lý Dịch Phong đã tuyên bố thông qua người đại diện trên trang cá nhân Weibo rằng anh sẽ chỉ hợp tác với những thương hiệu mà dành sự hỗ trợ đặc biệt và thu mua nguyên liệu cotton từ khu vực Tân Cương.

Theo Reuters, các nhà vận động cùng các chuyên gia của Liên hợp quốc cáo buộc Trung Quốc đã giam giữ hàng loạt, tra tấn, cưỡng bức lao động và triệt sản đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Trong khi đó, Trung Quốc phủ nhận những cáo buộc trên và cho rằng các hành động của họ ở Tân Cương là cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Trong bài viết đăng trên mạng xã hội Weibo, Hugo Boss hôm 25/3 cho biết họ sẽ "tiếp tục thu mua và ủng hộ nguyên liệu cotton từ Tân Cương". Nhưng một ngày sau đó, hãng thời trang Đức lại "đổi giọng" và giải thích rằng bài viết đó không được phép đăng tải và đã bị xóa.

Trong email gửi tới Reuters hôm 26/3, bà Carolin Westermann - người phát ngôn của hãng thời trang Hugo Boss - cho biết, tuyên bố bằng tiếng Anh không ghi rõ ngày tháng trên website của Hugo Boss rằng "cho đến nay, hãng này không mua bất kỳ hàng hóa nào có nguồn gốc ở Tân Cương từ các nhà cung cấp trực tiếp" là quan điểm chính thức của họ.

Một ngày sau đó, tài khoản Weibo của Hugo Boss hôm 27/3 đăng tải một tuyên bố mới rằng hãng thời trang Đức trân trọng tất cả mối quan hệ lâu dài với các đối tác ở Trung Quốc.

Cư dân mạng Trung Quốc chỉ trích Hugo Boss đã "tát" lập trường của chính mình, đồng thời cho rằng thương hiệu thời trang này là "kẻ hai mặt". Đã có một số người tiêu dùng Trung Quốc thề sẽ tẩy chay thương hiệu Huge Boss vĩnh viễn. "Một kẻ hai mặt là kinh tởm nhất. Tôi sẽ tẩy chay bạn mãi mãi", một tài khoản mạng xã hội Weibo ám chỉ Hugo Boss.

Các thương hiệu thuộc sở hữu của Nike, gồm: New Balance, Under Armour, Tommy Hilfiger, và Converse, cũng nằm trong danh sách các doanh nghiệp bị tẩy chay ở Trung Quốc vì đã tuyên bố sẽ không sử dụng cotton được sản xuất ở Tân Cương do lo ngại sử dụng lao động bị cưỡng bức.

Trước đó, nhiều nghệ sĩ Trung Quốc đã ngừng hợp tác với H&M giữa lúc làn sóng tẩy chay thương hiệu thời trang này bùng lên mạnh mẽ ở Trung Quốc. Văn phòng của diễn viên Hoàng Hiên cho biết đã chấm dứt hợp tác với H&M. Đồng thời, nam diễn viên này cực lực phản đối "sự vu khống và tung tin đồn" của H&M về vấn đề lao động ở Tân Cương hay "bất kỳ nỗ lực nào ảnh hưởng đến uy tín của đất nước". Còn sao nữ Tống Thiến cũng vội quay lưng với H&M và khẳng định "lợi ích quốc gia là trên hết".

Mỹ hôm 26/3 đã lên án cái mà họ gọi là chiến dịch truyền thông xã hội "do nhà nước dẫn dắt" ở Trung Quốc nhằm đối phó với doanh nghiệp Mỹ và các doanh nghiệp nước ngoài khác đã quyết định không sử dụng cotton từ Tân Cương do vấn đề lao động cưỡng bước. Mỹ và nhiều nước phương Tây khác đã áp dụng biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương mà Mỹ cho là thứ dẫn đến tội ác diệt chủng.

Cùng ngày 26/3, Reuters đưa tin Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 9 công dân Vương quốc Anh, bao gồm cả cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ George Iain Duncan Smith, với cáo buộc những cá nhân này đã truyền bá "dối trá và thông tin sai lệch" về các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây đang xấu đi nhanh chóng, đặc biệt sau khi Bắc Kinh đáp trả các biện pháp trừng phạt từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, và Canada. Ngoài 9 cá nhân, Bắc Kinh cũng trừng phạt 4 tổ chức ở Vương quốc Anh, bao gồm Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ, với cáo buộc các tổ chức này đã "truyền bá thông tin dối trá và xuyên tạc một cách ác ý".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các cá nhân bị trừng phạt và người thân ruột thịt của họ bị cấm nhập cảnh vào lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời khẳng định các công dân và tổ chức ở Trung Quốc sẽ bị cấm hợp tác kinh doanh với các đối tượng này.

Vương quốc Anh đã lên án cho rằng động thái trên của Trung Quốc là nỗ lực nhằm kiềm chế những lời chỉ trích. Trên trang cá nhân Twitter, Thủ tướng Johnson cho rằng, những người bị Trung Quốc trừng phạt "đang đóng vai trò quan trọng làm sáng tỏ những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng gây ra đối với người Duy Ngô Nhĩ".

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục