Sau giai đoạn tích lũy, chứng khoán Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là nhận định của ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc phân tích nghiên cứu, Chứng khoán Yuanta Việt Nam, về bức tranh thị trường chứng khoán trong quý cuối năm.
Sau giai đoạn tích lũy, chứng khoán Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn

Nhiều nhà đầu tư đang quan ngại về tình hình kinh doanh quý 3 của doanh nghiệp sẽ không tốt, ảnh hưởng tiêu cực tới giá cổ phiếu trên thị trường. Ông đánh giá về diễn biến chứng khoán quý III và cơ hội của chứng khoán tháng 10 như thế nào?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước vào giai đoạn tích lũy kể từ đầu tháng 7/2021 do phản ánh các thông tin tiêu cực gồm dịch bệnh bùng phát lần thứ tư dẫn đến các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài kéo theo sản xuất bị đình trệ và tiêu dùng thấp, hệ quả là dự phóng kết quả kinh doanh quý III/2021 của các doanh nghiệp nhìn chung kém lạc quan.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì động thái bán ròng, cản trở đà tăng của các chỉ số. Trong quý III/2021, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng 9.900 tỷ đồng (tính đến ngày 23/09/2021).

Trong tháng 10, thị trường chứng khoán sẽ đón nhận kết quả kinh doanh quý III/2021. Nhà đầu tư có lẽ sẽ không quá ngạc nhiên khi phần lớn các doanh nghiệp sẽ báo cáo kết quả kinh doanh thấp hơn cùng kỳ do bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài. Mặc dù thị trường chứng khoán đã phản ánh một phần kỳ vọng quý III kém tích cực, tuy nhiên các chỉ số vẫn sẽ gặp một chút áp lực cho đến khi quả kinh doanh quý III được công bố trong thời gian tới.

Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc phân tích nghiên cứu, Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc phân tích nghiên cứu, Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Trong khi phần lớn các doanh nghiệp sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh quý III kém lạc quan thì một số doanh nghiệp có mô hình kinh doanh ít chịu tác động bởi dịch bệnh hoặc thậm chí sẽ ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ như công nghệ, chứng khoán, vật liệu cơ bản, thủy sản, đạm sẽ tiếp tục được quan tâm.

Điều này có nghĩa quý IV sẽ được khởi đầu không quá tích cực, nếu nhìn dài hơn trong các tháng cuối năm thì bức tranh điểm sáng, theo ông, sẽ nằm ở chỗ nào?

Thị trường chứng khoán đã tăng trưởng liên tục trong nửa cuối 2020 nói chung, riêng trong quý IV/2020, các hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra thuận lợi, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng tốt, không quá ngạc nhiên khi VN-Index đã tăng 30% trong 3 tháng cuối năm.

Đó là năm ngoái, còn năm nay bối cảnh thị trường trước khi bước vào quý IV/2021 có lẽ không thuận lợi như vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội.

Điều đáng mừng ở thời điểm hiện tại là tình hình dịch bệnh có dấu hiệu cải thiện đáng kể. Số ca nhiễm mới bình quân 7 ngày đã giảm từ 13.400 ca (hồi đầu tháng) còn 10.300 ca (tính đến ngày 23/09). Số ca nhiễm mới hiện thấp hơn so với số ca phục hồi trên toàn quốc. Vì vậy, số ca nhiễm Covid-19 đang trong quá trình điều trị bắt đầu giảm đi.

Những chỉ báo tích cực từ chuỗi dữ liệu Covid-19 là đáng khích lệ so với những thông tin tiêu cực liên tục được công bố vào những tháng trước đó. Có thể thấy rằng thị trường chứng khoán của các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi đại dịch trước đây đa số đều hồi phục mạnh mẽ khi dịch bệnh đạt đỉnh. Điển hình là chỉ số Sensex của Ấn Độ hồi phục 25% kể từ tháng 5/2021, tương ứng với đỉnh dịch, với các lĩnh vực dẫn dắt là ngân hàng, công nghệ thông tin, vật liệu cơ bản và hàng tiêu dùng.

Với chiến lược việc đẩy mạnh tiêm vắc-xin, độ phủ vắc-xin cao tại các thành phố lớn sẽ là nền tảng cho việc nới lỏng giãn cách trong quý IV/2021 và mở cửa hoàn toàn đầu năm 2022. Theo đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ bắt đầu hồi phục cuối quý IV/2021 và hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022.

Sau khi bước vào giai đoạn tích lũy từ đầu tháng 7/2021, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn. Ở thời điểm hiện tại, chỉ số VN-Index hiện đang giao dịch tại PE kỳ vọng 15,7 lần, tương đương bình quân 5 năm trong quá khứ, thấp hơn so với mức 16,8 lần trong tháng 6/2021 (và 17,3 lần trong tháng 9/2020).

Ở thời điểm hiện tại, chỉ số VN-Index hiện đang giao dịch tại PE kỳ vọng 15,7 lần. Nguồn: Bloomberg, YSVN

Ở thời điểm hiện tại, chỉ số VN-Index hiện đang giao dịch tại PE kỳ vọng 15,7 lần. Nguồn: Bloomberg, YSVN

Do đó, chúng tôi cho rằng các áp lực điều chỉnh trong thời gian tới sẽ là cơ hội để tích lũy cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt trong bối cảnh lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp, số lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán tăng lên các mức cao kỷ lục.

Vậy đâu là nhóm ngành mà theo ông cần chú ý trong quý IV?

Tổng số lượng tài khoản đang hoạt động đạt 3,6 triệu tài khoản, tương đương chiếm khoảng 3,6% dân số Việt Nam. Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng con số này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, và đây là yếu tố chính hỗ trợ cho quan điểm tích cực về dài hạn của chúng tôi đối với thị trường vốn Việt Nam.

Chúng tôi tiếp tục lạc quan về nhóm ngành như ngân hàng (đặc biệt các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, độ phủ nợ xấu cao, chú trọng chuyển đổi số), công nghệ, hàng tiêu dùng, khu công nghiệp và nhóm hưởng lợi đầu tư công như vật liệu xây dựng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ