Sau Đức và Trung Quốc, Mỹ cũng tìm cách để kích thích kinh tế

(ĐTCK) Nhà Trắng đang nghiên cứu khả năng giảm thuế biên chế (thuế FICA) tạm thời nhằm kích thích nền kinh tế Mỹ, ngăn chặn sự suy giảm tăng trưởng kinh tế, tờ The Washington Post đưa tin vào hôm thứ Hai (19/8).
Sau Đức và Trung Quốc, Mỹ cũng tìm cách để kích thích kinh tế

Theo The Washington Post, các cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét việc giảm thuế biên chế và một số lựa chọn khác để chấm dứt mối lo ngại ngày càng tăng về một cuộc suy thoái có thể xảy ra.

Ngoài ra, nguồn tin của tờ báo này cũng cho biết, cuộc thảo luận đang mới ở giai đoạn đầu và Nhà Trắng vẫn chưa quyết định liệu ý tưởng này có được thảo luận bởi Quốc hội hay không.

Ở Mỹ, khấu trừ thu nhập và thuế an sinh xã hội thường được gọi là thuế biên chế. Hàng triệu người Mỹ đang phải mức trả thuế biên chế 6,2%, được sử dụng cho các chương trình bảo hiểm y tế và xã hội.

Chính quyền trước đây của Tổng thống Barack Obama đã từng giảm mức thuế này xuống còn 4,2% nhằm kích thích chi tiêu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tạm thời. Đến năm 2013, mức thuế đã được khôi phục lên 6,2%.

Những người Mỹ có thu nhập hàng năm tối đa là 132.900 USD sẽ đóng mức thuế trên (trên ngưỡng này không phải đóng). Vì vậy, việc cắt giảm mức thuế này vẫn là một ý tưởng phổ biến đối với nhiều nhà lập pháp khi tìm cách giúp đỡ các công dân có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, cắt giảm thuế cũng có thể làm tăng đáng kể thâm hụt và tước đi hàng tỷ USD của các chương trình bảo hiểm tùy thuộc vào mức độ giảm.

Tuần trước, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã phản ứng mạnh mẽ với tin tức về sự đảo ngược của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ngắn hạn và dài hạn lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.

Thông tin về động thái trên của Mỹ diễn ra sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết, sẽ cải tiến cơ chế thiết lập lãi suất cho vay cơ bản (LPR) trong tháng 8, nhằm giảm lãi suất đi vay. Qua đó, thúc đẩy tiêu dùng để kích thích kinh tế đang tăng trưởng chậm lại do thương chiến với Mỹ.

Ngoài ra, Đức cuối tuần trước cũng tuyên bố sẵn sàng  từ bỏ chính sách cân bằng tài chính, chấp nhận nợ để kích thích kinh tế, tránh để nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào suy thoái. Hôm Chủ nhật (18/8), Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết, Berlin có thể cung cấp tới 50 tỷ euro (55 tỷ USD) chi tiêu thêm để kích thích.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang trong tháng qua đã khiến nỗi lo suy thoái kinh tế gia tăng, đặc biệt là việc đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đảo ngược lần đầu tiên sau 12 năm (lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm cao hơn kỳ hạn 10). Đây là dấu hiệu kinh điển cho một cuộc suy thoái. Lần gần đây đường cong này đảo ngược là tháng 5/2007, chỉ vài tháng trước khi cuộc suy thoái kinh tế diễn ra.

Nỗi lo suy thoái kinh tế đã khiến giới đầu tư hoảng loạn bán tháo ồ ạt trong phiên thứ Tư Tuần trước (14/8), đẩy các thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc.

Sau phiên lao dốc này của phố Wall, ông Trump đã lập tức họp khẩn qua điện thoại với lãnh đạo 3 ngân hàng lớn nhất Mỹ là JP Morgan Chase, Bank of America và Citigroup. Tuy nhiên, nội dung của họp này không được tiết lộ.

Quỳnh Lê (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục