Vì sao TTCK Mỹ giảm mạnh?
Câu trả lời chung nhất là nhiều NĐT đang bán ra cổ phiếu mà không quan tâm mức giá họ bán được là bao nhiêu. Họ muốn giữ tiền mặt, vì lo ngại cổ phiếu của họ có thể còn mất giá hơn nữa. Mặt khác, nhiều tổ chức dính líu vào vụ phải "thanh toán" cho xong các hoán đổi tín dụng phá sản (credit default swap) của Ngân hàng Lehman Brothers. Vì vậy, một cách đơn giản, họ phải bán cổ phiếu để có tiền.
Ngoài ra, không ít quỹ đầu cơ (đôi khi được gọi là quỹ phòng hộ, hedge funds) buộc phải bán cổ phiếu khi công ty môi giới buộc họ đặt thêm tiền đặt cọc (margin calls), tương tự như đợt giải chấp cổ phiếu ở ta mấy tháng trước. Lực đẩy của các vụ bán ra này đã góp phần đẩy các chỉ số chứng khoán của Mỹ rơi xuống những mức thấp kỷ lục. Chỉ số S&P 500 giảm xuống dưới 900 điểm, lần đầu tiên kể từ tháng 4/2003. Điều này có nghĩa là, chỉ số chứng khoán của Mỹ đang chạm vào những mốc cản quá khứ dài hạn. Và ở những mốc này, sẽ có những sản phẩm phái sinh như quyền chọn bị đụng vào các mục tiêu bán hay các mốc mà một số chiến lược giao dịch của nhiều tổ chức đầu tư buộc phải dừng lỗ.
Đó là chưa kể đến việc thị trường tín dụng có dấu hiệu đóng băng, chi phí vay USD tăng lên trên các thị trường tài chính, một điều đi ngược lại với xu hướng giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương. Lý do là các tổ chức tài chính muốn duy trì một mức thanh khoản lành mạnh cho mình để đối phó với những diễn biến phức tạp có thể xảy ra, trong đó có vụ đấu thầu để giao dịch 400 tỷ USD các hợp đồng hoán đổi tín dụng phá sản liên quan tới Lehman Brothers.
Phải chăng, mọi việc quá tệ hại? Thực tế là ngược lại.
Khi hy vọng tiếp nối
Nhiều ngân hàng trung ương lớn đã quyết tâm tìm mọi cách khống chế cuộc khủng hoảng đang lan rộng. Vậy, cuộc khủng hoảng ắt phải có lúc tạm dừng diễn biến xấu. Sự khó khăn vay mượn trên thị trường tài chính có lẽ sẽ sớm chấm dứt, nhất là khi cuộc đấu thầu các sản phẩm tín dụng phái sinh của Lehman Brothers kết thúc, tiền mặt của nhiều tổ chức tài chính sẽ dồi dào hơn. Những nút thắt sẽ dần được tháo gỡ. Sau khi các quỹ đầu cơ, quỹ đầu tư và tổ chức tài chính bán tống bán tháo các khoản đầu tư của họ, điều gì họ sẽ có? Tiền mặt. Và khi họ có tiền mặt, không còn bị áp lực bán cổ phiếu với mức giá cực thấp mà họ không mong muốn, họ sẽ bắt đầu nghĩ tới việc mua vào những khoản đầu tư rẻ hay ít ra họ không tội gì đi bán ào ào những gì còn lại, bất kể giá cả nữa. Đó là lúc hy vọng trở lại.
Nhiều nhà phân tích tin rằng, khi càng lúc càng có nhiều người đang giữ tiền mặt và họ nhận ra rằng, ngày tận thế là chưa đến, đó sẽ là lúc người ta mua vào. Và trên thực tế, trong các đợt khủng hoảng trong lịch sử, thị trường thường hồi phục vào những lúc có vẻ quá tệ hại như kiểu 8 ngày giảm liên tục trên thị trường Mỹ. Một số người còn mạnh dạn nhận định, khi thị trường giảm quá nhanh, sẽ có những đợt đi lên nhanh không kém sau đó. Nhiều khả năng những đợt tăng giá nhanh sẽ bắt đầu vào tuần lễ cuối cùng của tháng 10 ở Mỹ, khoảng từ ngày 20 trở đi. Trong khi đó, trên đồ thị của chỉ số công nghiệp Dow Jones, một số tín hiệu kỹ thuật lạc quan đang bắt đầu hình thành và có thể sẽ được khẳng định trong tuần này.
Thị trường Việt Nam: đặt hy vọng tại khu vực 360 điểm
Cũng tương tự như tình hình của Mỹ, nhiều NĐT tại Việt Nam cũng đang bán cổ phiếu ở mức giá thấp khi tâm lý lo ngại thị trường có thể giảm thêm lan truyền sang Việt Nam. Một số lý do khác để bán có thể là: giá điện đang được dự kiến sẽ tăng vào đầu năm 2009, tình hình kinh tế Việt Nam được dự báo kém lạc quan hơn do kinh tế Mỹ suy thoái sẽ làm giảm cầu tiêu dùng, ảnh hưởng đến xuất khẩu… Tuy cũng có tin tốt như dự trữ ngoại hối vẫn tăng, nhưng dường như là chưa đủ để đẩy thị trường lên.
Theo phân tích kỹ thuật, nguy cơ mức 360 điểm của VN-Index bị phá vỡ và cơ hội thị trường đụng mức này bật trở lại là tương đương nhau. Chỉ số ADX tăng lên cho thấy sức giảm giá của thị trường vẫn đang mạnh, có nghĩa là vẫn có thể đẩy thị trường xuống hơn mức 379 điểm. Tuy nhiên, chỉ số RSI đang đến gần khu vực bán ra quá nhiều, vì vậy, sẽ có sự điều chỉnh (tăng điểm) khi chỉ số này vào sâu trong khu vực này. Nếu thị trường Mỹ khởi sắc trong tuần này, rất có khả năng NĐT trong nước sẽ "vui" hơn, sự lạc quan sẽ bắt đầu lan truyền. Ở một khía cạnh nào đó, xét theo chu kỳ hàng năm, thì tháng 10 năm nay có thể không quá tốt, nhưng cũng có thể không tệ hơn tháng 9 vừa rồi.