Sau 6/9, Hà Nội sẽ thiết lập 3 vùng để có các biện pháp chống dịch phù hợp

0:00 / 0:00
0:00
Thành ủy Hà Nội vừa có Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng chống dịch tại khu vực phong tỏa phường Văn Miếu, Văn Chương. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng chống dịch tại khu vực phong tỏa phường Văn Miếu, Văn Chương.

Tại cuộc họp ngày 1/9, Ban Thường vụ Thành ủy đã biểu quyết 100% thống nhất chủ trương đối với phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 của Thành phố theo đề xuất của Ban cán sự đảng UBND Thành phố, trong đó thiết lập 3 vùng theo nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất, theo hướng các vùng nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), vùng phía Bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp ) và vùng phía Tây, phía Nam Thành phố (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp).

Trên cơ sở phân vùng, đánh giá các khu vực có nguy cơ rất cao “vùng đỏ” để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc “ai đâu ở đó” để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để.

Tại các khu vực nguy cơ cao “vùng cam” và nguy cơ thấp hơn “vùng xanh” điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg (15+) của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực “vùng đỏ” bảo đảm khoa học, kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan đơn vị liên quan tiếp thu, hoàn thiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy để chỉ đạo xây dựng phương án tổ chức thực hiện phân vùng bảo đảm kỹ lưỡng, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, khoa học, hiệu quả theo cơ chế vận hành, liên kết, phối hợp giữa các vùng, đảm bảo chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; đặc biệt là việc cung ứng hàng hoá thiết yếu cho nhân dân... phục vụ phòng, chống dịch lâu dài.

Đảm bảo công tác an sinh xã hội với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời những vấn đề bất cập, vướng mắc, phát sinh phù hợp tình hình thực tiễn; sớm thông báo phương án để tổ chức triển khai thực hiện.

Các sở, ban, ngành thành phố căn chức năng nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách chủ động tổ chức khảo sát, đánh giá kỹ, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai.

Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn được phép quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn và chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trước Thành phố.

Đồng thời tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân; giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu các gia đình ký cam kết không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, “ai ở đâu thì ở đó”.

Công an Thành phố chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố; hướng dẫn cụ thể và cấp giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn Thành phố (trong đó bao gồm hoạt động chính trị, ngoại giao, dịch vụ công ích thiết yếu, công vụ, phòng chống dịch; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng của người dân...).

Tổ chức quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với 23 chốt kiểm soát ra - vào Thành phố và các cá nhân, phương tiện lưu thông trên địa bàn Thành phố theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu thì ở đó". Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục