Sau năm 2021 tăng trưởng "nóng", tận dụng được cơ hội thị trường thế giới, đặc biệt là giá thép tăng mạnh, ngành thép đã có 1 năm tăng tốc xuất khẩu với mức tăng ấn tượng 124,3% so với 2020, gia nhập CLB xuất khẩu trên 10 tỷ USD, hiện nay, xuất khẩu sắt thép đã giảm tốc mạnh.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng 2022, xuất khẩu sắt thép đạt 6,95 triệu tấn, trị giá 6,88 tỷ USD, giảm 37,4% về lượng và giảm 29% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Những tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu liên tục sụt giảm, thực hiện trong tháng 10 chỉ còn 367 triệu USD, trong khi tháng 9 đạt 458 triệu USD, tháng 8 đạt 462 triệu USD.
Với đà xuất khẩu như hiện tại, năm 2022, xuất khẩu sắt thép dự kiến chỉ có thể về đích ở mức 7,7 - 7,9 tỷ USD.
Sự giảm tốc về xuất khẩu sắt thép không quá bất ngờ, bởi 2021 là năm có mức tăng đột biến, vượt quá kỳ vọng của ngành trong khi từ đầu năm 2022 đến nay, giá thép trong nước giảm theo xu hướng của thế giới do nhu cầu và giá nguyên liệu đầu vào đều giảm. Hầu hết các nhà máy thép đang ở trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Trong khi đó, triển vọng xuất khẩu thép những tháng cuối năm khá ảm đạm, trong bối cảnh các thị trường khác trên thế giới cũng đang tìm kiếm thêm thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu như Campuchia, Hồng Kông (Trung Quốc), Canada, Mỹ.
Nhiều dự báo đưa ra từ tháng 8 đã cho rằng xuất khẩu thép sẽ giảm tốc mạnh trong 2 quý cuối năm 2022.
Năm 2021, tổng lượng sản xuất thép các loại đạt 33,2 triệu tấn, tăng 28,2% so với năm 2020. Trong đó, chủng loại các sản phẩm được sản xuất chủ yếu như: thép xây dựng; Thép cán nóng - HRC; Thép cán nguội - CRC; Tôn mạ kim loại và sơn phủ màu; Ống thép...
Xuất khẩu sắt thép năm 2021 đạt 13,1 triệu tấn, trị giá đạt 11,8 tỷ USD, tăng 32,9% về lượng và 124,3% về trị giá so với năm 2020.
Mặt hàng sắt thép năm qua có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất của ngành từ trước đến nay và có mặt trong danh sách 8 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD
Không chỉ lập đỉnh với hơn 13 triệu tấn xuất khẩu và gia nhập câu lạc bộ ngành hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, ngành thép còn chuyển hướng để điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng có lợi hơn cho ngành.
Cụ thể, thép Việt Nam đã gia tăng xuất khẩu tới các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao như Mỹ, EU, giảm dần tỷ trọng sang khu vực ASEAN, Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nếu top 5 thị trường xuất khẩu thép năm 2020 là ASEAN (42,6%), Trung Quốc (36,53%), EU (2,88%), Đài Loan (2,86%) và Mỹ (1,87%), thì năm 2021 đã có sự thay đổi tích cực, dù ASEAN vẫn là thị trường truyền thống, nhưng tỷ trọng đã giảm đáng kể còn 28,64%, Trung Quốc giảm còn 21,32% và xuất khẩu sang EU tăng lên 12,56%, Mỹ tăng lên 7,51% và Đài Loan tăng lên 5,05%.