Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, đây là Nghị định rất quan trọng, không chỉ liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân của từng công dân, mà còn liên quan đến công tác quản lý con người, quản lý xã hội và tác động đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo chủ quyền quốc gia. Do đó, đòi hỏi là một hành lang pháp lý phải hết sức rõ ràng, cụ thể, minh bạch về vấn đề này.
Tại phiên họp, đại diện Bộ Công an cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị định nhằm cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013, thể chế chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công nhận, tôn trọng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc.
Việc này cũng tạo nền tảng để xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời xác định lộ trình phù hợp thực hiện công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Dự thảo Nghị định bao gồm 44 điều, chia thành 4 chương quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân; xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân; nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân; áp dụng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, các luật liên quan và Điều ước quốc tế; hợp tác quốc tế về bảo vệ dữ liệu cá nhân; hành vi bị nghiêm cấm; quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu; quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân…
Theo đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban thẩm tra thì pháp luật hiện hành đã có quy định về thông tin cá nhân, bảo vệ thông tin cá nhân trong một số văn bản luật nhưng mới chỉ dừng lại ở quy định chung chung về quyền, chế tài, chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ các loại thông tin này và chưa có quy định về khái niệm dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu này.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh thống nhất việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh, thống nhất về bảo vệ dữ liệu cá nhân là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phát biểu tại phiên thẩm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh xem xét các vấn đề của Dự thảo Nghị định có vượt thẩm quyền hay không, nếu có là gì? Đồng thời lưu ý, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật, trong trường hợp cần thiết vì lý do Quốc phòng, an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Do đó cần nghiên cứu áp dụng Hiến pháp vào Luật.
Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn thiện báo cáo thẩm tra, báo cáo tổng hợp ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện Hồ sơ Dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp tới.
Liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 8/2022, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân đang rất đáng báo động, trong khi hành lang pháp lý để bảo vệ thông tin cá nhân chưa hoàn thiện.
Bộ trưởng cho biết, để hạn chế tình trạng trên Bộ đã triển khai giải pháp như xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng gặp nhiều khó khăn.
Bộ đã 10 lần trình Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng thời gian tới mới được ban hành. Bộ cũng sẽ tham mưu cho Chính phủ đề trình Quốc hội Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.