Sáp nhập đơn vị hành chính tại TP.HCM: Doanh nghiệp, người dân lo gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
TP.HCM cho rằng, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã cần phù hợp đặc thù địa phương. Nếu không sẽ dẫn tới công chức, viên chức quá tải, doanh nghiệp và người dân gặp khó, bởi một quận của Thành phố có khi thu ngân sách hoặc giải quyết thủ tục hành chính bằng một tỉnh.
Sáp nhập đơn vị hành chính tại TP.HCM: Doanh nghiệp, người dân lo gặp khó

Công chức, viên chức quá tải; doanh nghiệp, người dân gặp khó

Từ thực tiễn giai đoạn 2019 - 2021, mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi các bộ, ngành Trung ương, đề xuất cần phải căn cứ thực tế, đặc thù của Thành phố để thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030.

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, Thành phố là một đô thị đặc biệt. Một trong những đặc thù của Thành phố là các đơn vị hành chính quận trực thuộc có diện tích khá nhỏ, có số phường trực thuộc không nhiều. Nếu thực hiện đúng theo quy định thì sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, nhiều đơn vị hành chính quận không đảm bảo được số lượng tối thiểu đơn vị hành chính phường trực thuộc theo quy định tại khoản 5, Điều 1, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (tiêu chuẩn của quận là phải có từ 10 phường trở lên).

Mặt khác, cấp huyện, cấp xã trực thuộc tuy có diện tích nhỏ, nhưng mật độ dân số trung bình cao, thủ tục hành chính phát sinh hàng ngày của các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn rất lớn.

Đơn cử, năm 2022, các quận, huyện và TP. Thủ Đức đã giải quyết 9.783.099 hồ sơ. Trong đó, quận 1 (888.447 hồ sơ), quận 3 (294.551 hồ sơ), quận 4 (343.364 hồ sơ), quận 5 (274.353 hồ sơ), quận 6 (206.695 hồ sơ), quận 10 (733.369 hồ sơ), quận 11 (595.301 hồ sơ), quận Phú Nhuận (428.516 hồ sơ), huyện Nhà Bè (156.832 hồ sơ)…

UBND TP.HCM cho rằng, số lượng hồ sơ của doanh nghiệp, người dân được xử lý như trên ở đơn vị hành chính cấp quận/huyện của Thành phố còn cao hơn số lượng thủ tục hành chính phải giải quyết của một tỉnh.

Tuy diện tích nhỏ, nhưng hoạt động kinh tế trên các đơn vị hành chính rất phát triển. Đơn cử, quận 1 mỗi ngày có khoảng 1 triệu người đến du lịch, học tập, làm việc và có số lượng doanh nghiệp theo quy mô cấp quận lớn nhất cả nước. Vì vậy, chỉ tiêu thu nộp ngân sách hàng năm rất cao. Không chỉ quận 1, một số đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn TP.HCM còn đạt chỉ tiêu thu nộp ngân sách hàng năm cao hơn một số đơn vị hành chính cấp tỉnh khác.

Vì vậy, khi các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có mật độ dân số và số lượng thủ tục hành chính phải giải quyết cho doanh nghiệp, người dân hàng năm rất cao được sáp nhập, thì đơn vị hành chính mới sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng có mật độ dân số trung bình rất cao và số lượng thủ tục hành chính phải giải quyết tăng gấp đôi, gấp ba lần, trong khi công chức, viên chức phải giảm, mà chế độ chính sách lại không tăng.

Tình huống này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ các tổ chức, doanh nghiệp và công dân, sẽ không đúng với mục tiêu của sắp xếp là nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

Đó là chưa nói, việc giải quyết số cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sau sáp nhập gặp nhiều khó khăn do đa số họ đã được chuẩn hóa theo quy định.

Điều này, theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, Thành phố là nơi “thấm” nhất. Có diện tích hơn 211 km2, quy mô dân số trên 1 triệu người, TP. Thủ Đức từng trải qua 2 lần tách rồi nhập 3 quận (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức) vào các năm 1997 và 2021. Giai đoạn 2021 - 2023, sau khi sáp nhập từ 3 quận thành TP. Thủ Đức, đã giảm 2 đơn vị hành chính cấp huyện, 24 cơ quan chuyên môn, 29 nhân sự cấp trưởng. Dù giảm đầu mối quản lý, song việc này cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn khi phải tốn khá nhiều thời gian, công sức để thay đổi giấy tờ nhà, giấy tờ tùy thân.

Ảnh hưởng đến việc thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, việc sắp xếp số lượng lớn đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải thực hiện trong thời gian rất ngắn (từ năm 2023 đến năm 2030) và đặc biệt lại rơi vào giai đoạn 2023 - 2025, là giai đoạn Thành phố đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố, cũng như thực hiện nhiều chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc đưa những cơ chế, chính sách đặc thù vào thực tiễn, đồng thời ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, do các cơ quan dành nhiều thời gian vào công tác sắp xếp. Bên cạnh đó, ảnh hưởng rất lớn đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp do phải điều chỉnh hàng loạt giấy tờ có liên quan.

Mặt khác, việc xử lý tài sản, trụ sở dư thừa do sắp xếp đơn vị hành chính để không lãng phí, hư hỏng cũng gặp nhiều khó khăn. Một số trụ sở có thể đấu giá, nhưng một số sẽ khó khăn khi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, do phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng và đảm bảo phù hợp với quy hoạch.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng như trụ sở, trường học, trạm y tế... dư thừa do sáp nhập khó được giải quyết hợp lý, gây lãng phí, sử dụng không hiệu quả, trong khi trụ sở mới cần được đầu tư, yêu cầu với số lượng và kinh phí lớn.

Cần lưu ý rằng, sau 3 năm thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (giai đoạn 2019 - 2021), TP.HCM dôi dư đến 75 trụ sở công. Nhiều trụ sở, địa chỉ nhà đất công vẫn chưa có phương án bố trí sử dụng, đang trong tình trạng bỏ không, gây lãng phí.

Để không gây xáo trộn lớn

Từ thực tế trên, UBND TP.HCM mong các bộ, ngành Trung ương chấp thuận cho Thành phố vận dụng 7 yếu tố đặc thù vào công tác sắp xếp.

Đó là, với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp, nhưng có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào, thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp.

Đơn vị hành chính nông thôn được quy hoạch phát triển đô thị trong giai đoạn 2023 - 2030, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn đô thị thì không bắt buộc sắp xếp.

Đơn vị hành chính đô thị có hai yếu tố đặc thù sau đây thì quy mô dân số tối thiểu bằng 50% quy định của đô thị: có di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận, hoặc có di sản văn hóa vật thể xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt; được xác định hoặc trực thuộc đơn vị hành chính được xác định là trung tâm du lịch quốc gia hoặc quốc tế.

Quận/huyện có hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển ổn định. Thu ngân sách hàng năm đạt từ 1.000 tỷ đồng trở lên thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp.

Quận có từ 10 phường trở lên thì chỉ thực hiện sắp xếp một số phường, để đảm bảo sau khi sắp xếp đơn vị hành chính quận phải có tối thiểu 10 phường.

Trong giai đoạn 2023 - 2030 không bắt buộc sắp xếp phường, xã, thị trấn trực thuộc quận/huyện đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021.

Không sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã liền kề mà sau khi sắp xếp thành đơn vị hành chính mới, khối lượng công việc của cán bộ, công chức tăng lên hơn 50% so với thời điểm trước khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, có như vậy mới bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế và không gây xáo trộn lớn.

Ngô Nguyên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục