Các khoản cổ tức sắp được nhận sẽ giúp GVR tiến sát hơn mục tiêu kinh doanh 2019, thậm chí có thể thực hiện vượt kế hoạch, dù 9 tháng đầu năm mới hoàn thành 56% kế hoạch lợi nhuận.
Theo đó, GVR sẽ có các con số “đẹp hơn” trên báo cáo tài chính, nhất là đặt trong bối cảnh Tập đoàn đang nộp hồ sơ niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Trước thềm chuyển đăng ký giao dịch cổ phiếu từ UPCoM lên niêm yết trên HOSE, GVR báo lãi quý III/2019 gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, doanh thu đạt 5.334 tỷ đồng, tăng 10%; lợi nhuận sau thuế đạt 980 tỷ đồng, tăng 115%.
Trong kỳ, GVR ghi nhận lợi nhuận khác hơn 470 tỷ đồng, nhờ một số công ty thành viên ghi nhận khoản tiền từ việc bồi thường đất cao su.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, GVR đạt doanh thu trên 12.948 tỷ đồng, tăng 9%; lãi ròng hơn 1.854 tỷ đồng, tăng trên 57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả này đạt hơn 53% kế hoạch doanh thu và 56% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2019.
Ngày 22/10, GVR nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HOSE, đến nay chưa có thông báo chấp thuận niêm yết từ Sở nên có khả năng doanh nghiệp sẽ chào sàn mới trong quý I/2020.
Theo đó, báo cáo tài chính năm 2019 sẽ là tài liệu quan trọng được giới đầu tư quan tâm.
Theo báo cáo tài chính quý III/2019 của GVR, Tập đoàn có rất nhiều công ty con, công ty liên kết; tại ngày hợp nhất báo cáo 30/9/2019, có 103 công ty con được hợp nhất vào báo cáo trong kỳ và 21 công ty liên kết (thể hiện ở mục lãi - lỗ công ty liên doanh, liên kết).
Từ đầu tháng 12 đến nay, nhiều đơn vị thành viên của GVR đồng loạt công bố thông tin tạm ứng cổ tức.
Dựa vào công bố thông tin của các đơn vị đã niêm yết, có thể điểm ra một số gương mặt tiêu biểu trong tạm ứng cổ tức cao như Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC), Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR), Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR)…
Cụ thể, NTC vừa thông báo chốt danh sách cổ đông để thực hiện chia cổ tức năm 2019 bằng tiền, tỷ lệ 50%/mệnh giá (1 cổ phiếu nhận 5.000 đồng).
Số lượng cổ phiếu đang lưu hành của NTC là 16 triệu đơn vị, tương ứng công ty này sẽ chi khoảng 80 tỷ đồng để trả cổ tức.
Hai cổ đông lớn nhất của NTC là PHR sở hữu 32,9% và GVR sở hữu 20,4%. Với tỷ lệ sở hữu này, PHR sẽ nhận 26,3 tỷ đồng cổ tức, còn GVR nhận 16,3 tỷ đồng cổ tức.
PHR là công ty con của GVR (sở hữu gần 67% vốn), công bố ngày 25/12 là ngày chốt danh sách cổ đông thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2019, với tỷ lệ 30% bằng tiền.
Đây là mức chi trả tiền mặt cao kỷ lục của PHR trong 1 đợt kể từ khi niêm yết, so với mức 5 - 23%/đợt trong các năm trước. Ước tính, GVR sẽ nhận về gần 271 tỷ đồng cổ tức từ PHR.
Tương tự, DPR (GVR sở hữu gần 60%) thông báo tạm ứng cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt, tỷ lệ 50% - mức cao nhất cho một lần tạm ứng của Công ty, ngày đăng ký cuối cùng là 18/12.
Theo đó, GVR sẽ nhận về khoảng 120 tỷ đồng cổ tức từ DPR.
Ngoài ra, GVR dự kiến nhận 87 tỷ đồng cổ tức từ Công ty cổ phần Cao su Tân Biên (RTB), dù tỷ lệ cổ tức chỉ khoảng 10%, vì tỷ lệ sở hữu đến 98,5% vốn điều lệ; nhận 27 tỷ đồng từ tạm ứng cổ tức tỷ lệ 15% của Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (TRC)…
Không dừng ở việc mang về dòng tiền cổ tức cho GVR, một số công ty thành viên còn có kết quả kinh doanh tích cực, khi hợp nhất vào Tập đoàn sẽ đóng góp lợi nhuận không nhỏ.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, PHR đạt doanh thu 1.159 tỷ đồng, tăng 31%; lợi nhuận sau thuế 650 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2018.
Với NTC, dù tỷ lệ lợi ích là 42,3%%, nhưng tỷ lệ quyền biểu quyết của GVR lên đến 53,27%, nên kết quả kinh doanh của NTC vẫn được hợp nhất vào báo cáo của Tập đoàn.
Trong 9 tháng đầu năm, NTC đạt 176 tỷ đồng lợi nhuận, vượt 35% kế hoạch cả năm.
Ở các công ty liên doanh, liên kết, GVR được dự báo sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh hợp nhất tích cực của Công ty cổ phần Thống Nhất (BAX), Công ty cổ phần Cao su Bến Thành (BRC), Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP)… Trong đó, BAX lấy ý kiến về việc trả cổ tức 50% năm 2019, sẽ tạm ứng 20% vào ngày 20/12.