Sôi động cổ phiếu dán tin thoái vốn
Cổ phiếu AGM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang đã liên tục phá vỡ các kỷ lục về giá của chính nó trong thời gian gần đây khi tăng trần liên tục 12 phiên, nghỉ 3 phiên, rồi tiếp tục mang sắc tím. Thị giá AGM đã tăng gấp đôi trong chưa đầy 1 tháng qua.
Diễn biến đáng chú ý tại AGM gần đây là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chuẩn bị thoái vốn tại doanh nghiệp, khoảng 28% cổ phần cùng với việc cổ đông lớn Nguyễn Kim bán ra hơn 9 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 51% cổ phần.
Như vậy, bên mua lô cổ phần của Nguyễn Kim có thể gom thêm cổ phiếu để nắm chi phối tuyệt đối doanh nghiệp. Đây được cho là lý do ẩn sau cú tăng phi mã của giá cổ phiếu AGM. Bởi nếu xét về các chỉ số cơ bản, AGM không phải cổ phiếu hấp dẫn khi định giá P/E hiện nay vào khoảng 23 lần, cao hơn nhiều so với trung bình ngành.
Giá cổ phiếu SJS cũng đã vọt lên 55.000 đồng/cổ phần từ nền giá 45.000 đồng/cổ phiếu khi có tin Tổng công ty Sông Đà sẽ thoái toàn bộ vốn tại doanh nghiệp. Trong nhiều group của giới đầu tư, có những ý kiến suy đoán giá khởi điểm của lô cổ phần này vào khoảng 80.000 đồng/cổ phiếu.
Thời gian qua xuất hiện lực mua gom tại cổ phiếu SJS và theo một nguồn tin trên thị trường, một nhóm nhà đầu tư lớn đã nắm 55% cổ phần tại doanh nghiệp này.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo của SCIC cho biết, phương án thoái vốn của Tổng công ty Sông Đà phải được SCIC thông qua và cho đến nay, các bên vẫn chưa đả động gì đến kế hoạch này.
Vậy nhưng, giá cổ phiếu vẫn chạy.
Tuần qua cũng ghi nhận một cổ phiếu tăng tốt là DDV (của Công ty cổ phần DAP- Vinachem). Thông tin Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) sẽ thoái toàn bộ 64% vốn tại doanh nghiệp này đã kéo thị giá DDV thoát khỏi vùng lình xình, tăng 20% chỉ trong vài phiên cuối tuần, khối lượng khớp lệnh vụt tăng gấp 4 lần so với mức trung bình 10 phiên gần nhất.
DAP Vinachem hiện có thị trường tốt, thương hiệu mạnh, kinh doanh có lãi và đã thoát lỗ từ năm 2018. Công ty đang sở hữu cảng nước sâu chuyên dụng cho hoạt động xuất nhập khẩu hóa chất tại Đình Vũ, Hải Phòng. Ngoài nhà máy phân bón, DAP Vinachem còn có 2 nhà máy hóa chất, nhà máy điện 12 MW…
Ngày 2/3/2021, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án thoái vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tại DAP Vinachem.
Văn phòng Chính phủ sau đó đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp có ý kiến về đề nghị của CMSC, gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 26/3/2021 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Bởi vậy, khả năng Vinachem thoái vốn tại DAP Vinachem là rất gần.
Giới đầu tư cho rằng, DDV xứng đáng có giá khởi điểm 20.000 đồng/cổ phiếu với các tài sản và tiềm năng của doanh nghiệp.
Cũng đã có “cá mập” toan tính nhắm đến thương vụ thoái vốn này nên giá cổ phiếu DDV đã chạy mạnh khi thông tin thoái vốn bắt đầu râm ran trên thị trường. Mức giá cao nhất trong năm 2020 mà cổ phiếu này đạt được là 17.500 đồng/cổ phần.
Các cổ phiếu trong diện thoái vốn nhà nước, của doanh nghiệp có tiềm năng, theo nhận định của nhiều quỹ đầu tư, sẽ tạo cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư trên thị trường. Khi cơ cấu cổ đông thay đổi, quản trị doanh nghiệp thay đổi, hoạt động doanh nghiệp sẽ khởi sắc hơn, từ đó là nền tảng tốt cho đà tăng giá của cổ phiếu.
Thực tế của những doanh nghiệp mà Nhà nước thoái hết vốn như Tổng công ty Đầu tư phát triển xây dựng, Tổng công ty Vinaconex, Tổng công ty Xây dựng số 1… đã chứng minh điều đó.
Chờ gỡ nút thắt từ Bộ Tài chính
SCIC vừa công bố danh sách 81 doanh nghiệp mà Tổng công ty có kế hoạch thoái vốn trong năm 2021, trong đó có FPT, Sabeco, Bảo Minh, Bảo Việt…
SCIC mới đây đã công bố danh sách 81 doanh nghiệp mà tổng công ty này có kế hoạch thoái vốn trong năm 2021. Trong số đó, có nhiều cái tên được giới đầu tư quan tâm như FPT, Sabeco, Bảo Minh, Bảo Việt… và cả AGM như đã đề cập ở trên.
Có nhiều doanh nghiệp đang có tỷ lệ vốn nhà nước chi phối như Bảo Minh, Seaprodex…
6 tháng đầu năm, SCIC không thoái vốn được ở bất cứ doanh nghiệp nào, chỉ có một vài doanh nghiệp được ghi nhận doanh thu khi tổng công ty này thực hiện thoái vốn trong tháng 1. Đây là diện các doanh nghiệp thực hiện thoái vốn trong năm 2020 nhưng không kịp nên được chuyển sang năm nay.
Sự chậm trễ, ì ạch này trong khi thị trường chứng khoán đang thuận lợi có nguyên do là SCIC đang chờ văn bản hướng dẫn Nghị định 140/2020/NĐ-CP. Văn bản này có hiệu lực từ ngày ký ban hành 30/11/2020, trong khi các văn bản hướng dẫn chưa có, nên các sở giao dịch chứng khoán từ chối thực hiện các đợt bán đấu giá cổ phần.
Tại SCIC, có ít nhất 6 đợt thoái vốn khác đã thực hiện đến các bước cuối cùng cũng phải dừng lại. Không chỉ tại SCIC, các đợt thoái vốn lớn tại các bộ, ngành, cũng bị trì hoãn.
Nếu Nghị định 140/2020/NĐ-CP sớm có văn bản hướng dẫn, rất có thể Nhà nước đã thu về hàng chục nghìn tỷ đồng từ thoái vốn, chớp cơ hội từ sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, công sức của các đơn vị triển khai các thủ tục định giá, thoái vốn nhà nước sẽ không bị trôi sông, trôi biển.
Dự kiến thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước năm 2021 là 40.000 tỷ đồng, theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước.
Hiện tại, có hai vướng mắc lớn trong việc thực hiện thoái vốn nhà nước. Thứ nhất là việc xác định giá trị thương hiệu (trong đó bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử) vào giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Thứ hai là quy chế mẫu bán đấu giá công khai (thông thường/theo lô/theo lô cổ phần kèm nợ phải thu) và chào bán cạnh tranh (thông thường/theo lô/theo lô cổ phần kèm nợ phải thu) để chuyển nhượng vốn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Vướng mắc trong xác định giá trị thương hiệu đã phát sinh từ lâu. Trước đây, Nghị định 32/2018/NĐ-CP làm gọn bằng cách tính theo hệ số K (1%) giá trị doanh nghiệp. Nhưng nay, Bộ Tài chính dự kiến hướng dẫn các bên làm theo tiêu chuẩn thẩm định giá, nhưng trong tiêu chuẩn thẩm định giá của Việt Nam chưa có nội dung này.
Từ đầu tháng 1/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu bảo đảm việc thi hành Nghị định 140/2020/NĐ-CP được kịp thời, không phát sinh vướng mắc, thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần khẩn trương hướng dẫn các nội dung được giao tương ứng tại Khoản 15, Điều 2 (hướng dẫn việc xác định giá trị thương hiệu, bao gồm cả giá trị văn hóa, lịch sử vào giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn) và tại Khoản 15, Điều 1 (hướng dẫn nội dung chi tiết phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa) của Nghị định 140/2020/NĐ-CP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 1/2021.
Đồng thời, Bộ Tài chính được yêu cầu rà soát toàn bộ các nội dung khác (nếu có) cần hướng dẫn thi hành theo quy định tại Nghị định 140/2020/NĐ-CP để đôn đốc và giám sát các bộ, cơ quan liên quan được giao nhiệm vụ tại Nghị định khẩn trương hướng dẫn thi hành.
Vậy nhưng, đến nay, gần 5 tháng trôi qua vẫn chưa thấy các văn bản hướng dẫn được ban hành.