Sinh sau, nhưng chạy trước nhiều ngân hàng
LPB được thành lập năm 2008, là ngân hàng ra đời muộn nhất trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển cao, LPB đã vượt nhiều ngân hàng khác. Đến cuối năm 2016, LPB xếp thứ 13/35 về quy mô tổng tài sản với hơn 141.800 tỷ đồng, xếp thứ 13 về cho vay thị trường I với dư nợ trên 82.000 tỷ đồng, đồng thời nằm trong top 10 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất (9/35).
Hiện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) là cổ đông lớn nhất, sở hữu 12,54% vốn điều lệ của LPB.
Đến nay, kênh phòng giao dịch bưu điện chiếm 26% tổng huy động và 24% tổng dư nợ của Ngân hàng. LPB là ngân hàng TMCP tư nhân duy nhất có mặt trên khắp cả nước, đến tận vùng sâu, vùng xa với hơn 200 chi nhánh và phòng giao dịch, trên 1.000 phòng giao dịch bưu điện và quyền khai thác trên 10.000 diểm giao dịch trên mạng lưới bưu điện.
Đây có thể nói là thành công lớn, bước đi “1 năm sáp nhập bằng 100 năm phát triển mạng lưới”. Với mạng lưới hiện nay, nhiều tổ chức tài chính nước ngoài quan tâm tới LPB, bởi đây là phương tiện để trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu – Ngân hàng của mọi người.
Năm 2017, LPB sẽ cùng Vietnam Post đẩy nhanh việc nâng cấp các phòng giao dịch bưu điện đủ điều kiện thành phòng giao dịch ngân hàng, mục tiêu hoàn thành nâng cấp 700 phòng giao dịch đến năm 2018. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận cho LPB nâng cấp 139 phòng giao dịch bưu điện thành phòng giao dịch của LPB. Ngân hàng đặt mục tiêu phát triển mạng lưới phủ sóng 713 quận, huyện trên toàn quốc trong 3 năm tới.
Tiếp tục đẩy mạnh tín dụng
Theo báo cáo của CTCK VNDirect (VNDS), tăng trưởng tín dụng của LPB duy trì ở mức cao dựa trên nền tảng vững chắc về vốn. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tương đối cao (đạt 13,2% vào cuối năm 2016) và thanh khoản dồi dào cho phép LPB tiếp tục đẩy mạnh tín dụng trong một vài năm tới.
Những năm gần đây, LPB thường dẫn đầu về tăng trưởng tín dụng trong hệ thống nhờ tập trung vào phân khúc bán lẻ từ khá sớm. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ đã tăng từ 29% trong năm 2015 lên 33% trong năm 2016. Cũng trong năm này, cho vay bán lẻ tăng trưởng 63%, cao nhất trong những năm gần đây, góp phần thúc đẩy tín dụng nói chung tăng trưởng 42%.
Giai đoạn 2015-2017, LPB tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống core banking và đã chuyển đổi thành công hệ thống này vào đầu năm 2017 để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa và phát triển.
Về kết quả hoạt động kinh doanh, LPB là một trong số ít ngân hàng có tỷ lệ NIM cải thiện rõ rệt từ 2,9% năm 2014 lên 3,1% vào 2015 và đạt 3,5% trong 2016. Trong nửa đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế đạt 910 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ 2016 và hoàn thành 61% kế hoạch năm. Tín dụng tăng 16%, giúp thu nhập lãi thuần tăng mạnh 57% so với cùng kỳ. Trong quý I/2017, LPB đã trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 4%.
Tăng vốn, đàm phán với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài
LPB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn lên 7.500 tỷ đồng, với kế hoạch phát hành 104 triệu cổ phần trong năm 2017, gồm 38,76 triệu cổ phần trả cổ tức (tỷ lệ 6%) và 65,25 triệu cổ phần chào bán ra công chúng, hoặc cho cán bộ nhân viên với giá phát hành 10.000/CP.
LPB cho biết, đang chuẩn bị đàm phán với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, nên cần dành tối thiểu 10% vốn điều lệ cho đối tác lớn đầu tư. Do đó, LPB xin ý kiến cổ đông giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại mức 5% vốn.
Trên thị trường tự do, đón sóng cổ phiếu tiềm năng sắp niêm yết hoặc giao dịch trên UPCoM, nhiều nhà đầu tư đã gom mua cổ phiếu trước và LPB cũng là một trong những cổ phiếu được nhà đầu tư săn đón. Theo đó, giá cổ phiếu LPB có mức tăng mạnh mẽ, từ 9.800 đồng/CP ở thời điểm tháng 5/2017 tăng lên 12.000 đồng/CP và đạt trên 13.000 đồng/CP ngay sau khi có thông tin đăng ký giao dịch trên UPCoM. Trước ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện lưu ký chứng khoán, giá cổ phiếu LPB dao động trong khoảng 13.500-14.200 đồng/CP, tương ứng với PB 1 lần.
Theo đánh giá của VNDS, mức định giá này là tương đối rẻ. Với giá trị sổ sách năm 2017 ước đạt 13.272 đồng/CP, P/B mục tiêu 1,3 lần, giá trị hợp lý của LPB là 17.253 đồng/CP. VNDS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu LPB với giá mục tiêu là 17.200 đồng/CP. Được biết, cổ phiếu LPB sẽ giao dịch trên UPCoM vào đầu tháng 10 tới.