Sắp có nhiều vụ mua bán, sáp nhập ngân hàng

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình cho biết, hiện một số ngân hàng đang tiến hành sáp nhập, hợp nhất theo hướng tự nguyện.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI (trái) và cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam (phải) trao đổi bên lề hội nghị. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI (trái) và cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam (phải) trao đổi bên lề hội nghị.

Hội nghị Diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2012 được xem là cuộc đối thoại lớn giữa cộng đồng DN trong và ngoài nước với Chính phủ; đồng thời khảo sát thực trạng kinh tế vĩ mô và khuyến nghị một số chính sách điều hành với Chính phủ. Đây là hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 3-12 tại Hà Nội.

 

Thắt chặt sở hữu chéo

 

Đầu tiên, nhóm nghiên cứu ngân hàng (NH) nhận định nợ xấu trong hệ thống NH đang có những số liệu khác nhau giữa các tổ chức tín dụng và NHNN. Vấn đề đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ xấu, chủ sở hữu NH hay Nhà nước? Việc phân bổ khoản nợ này cho cổ đông là rất khó. Nếu tái cơ cấu đòi hỏi sự dứt khoát, nhanh chóng và nhất định phải tôn trọng sự thật về các chỉ số, làm sao đừng để khủng hoảng niềm tin xảy ra.

 

Để quản lý nợ xấu, theo các chuyên gia nước ngoài, trước hết cần chuyển tài sản nợ cho công ty quản lý tài sản và xử lý nợ xấu, hoặc kết hợp với bên thứ ba (cần có sự tham gia sở hữu của Nhà nước trong công ty xử lý nợ xấu). Nhằm đảm bảo tính minh bạch, các chuyên gia cho rằng Chính phủ nên thuê nhân lực nước ngoài tham gia xử lý nợ xấu. Những NH nào yếu kém thì nhanh chóng sáp nhập hoặc bán lại cho NH mạnh hơn, đồng thời thắt chặt sở hữu chéo bởi đây là nguyên nhân gây ra khủng hoảng NH.

   

Tại hội nghị, ông Đặng Thanh Bình, Phó Thống đốc NHNN, cho biết đã hoàn thành đề án thành lập công ty mua bán nợ và đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình Chính phủ. Mục tiêu là đến năm 2015 sẽ đưa tỉ lệ nợ xấu về khoảng 3%. Về tái cơ cấu NH, ông cho biết NHNN đã kiểm soát được các NH yếu kém và hiện hoạt động tín dụng tại các NH này diễn ra bình thường, thanh khoản đảm bảo. Một số NH đang tiến hành sáp nhập, hợp nhất theo hướng tự nguyện và sắp tới sẽ còn nhiều trường hợp như thế nữa. Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các NH quốc doanh, trừ NH NN&PTNT.

 

Riêng vấn đề sở hữu chéo NH, đại diện NHNN thông tin đang tăng cường thanh tra, giám sát các đối tượng sở hữu chéo, xác minh tài chính của các cổ đông khi tham gia sở hữu vốn tại các NH, phối hợp Ủy ban Chứng khoán giám sát giao dịch cổ phiếu NH thương mại.

 

Cần áp dụng cơ chế kiểm toán độc lập

 

Tính đến tháng 6-2012, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ đã tăng 4% lên mức 10% (cuối năm ngoái là 6%). Năm 2008, nợ xấu được duy trì dưới 3% nhưng trong vòng ba năm đã tăng hơn ba lần. Tổng mức nợ xấu là 280.000 tỉ đồng (11% tổng sản phẩm quốc nội - GDP). Trong đó có một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng là sự gia tăng nợ quá hạn của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Các DN này đang nợ khoảng 145.000 tỉ đồng, trong đó 20%-30% nợ không có khả năng hoàn trả. Nội dung trong báo cáo kinh tế tại hội nghị cũng chỉ rõ: “Việt Nam có sự lệ thuộc cao vào DNNN. Mặc dù được tập trung nguồn lực nhưng hiệu quả của DNNN vẫn thấp hơn nhiều so với các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN tư nhân. Tái cơ cấu nền kinh tế thông qua cổ phần hóa DNNN là một nhiệm vụ cấp bách trước bối cảnh suy thoái kinh tế gần đây”.

 

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu kinh tế cho rằng Việt Nam phải xóa bỏ vị thế độc quyền của DNNN, nâng cao năng lực cạnh tranh cho những DN này để làm đầu tàu cho nền kinh tế những năm tới. Các DN này phải được định giá tài sản chính xác dựa trên tính công khai, minh bạch, hiệu quả, chế độ tài chính phù hợp với chuẩn mực quốc tế đối với DNNN. Việc áp dụng cơ chế kiểm toán độc lập là rất cần thiết để nâng cao sự minh bạch, độ tin cậy từ thông tin tài chính, kế toán của các DN Việt Nam .

 

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: “Trong kế hoạch trung và dài hạn, Việt Nam sẽ tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, trước mắt Chính phủ ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng hợp lý và duy trì an sinh xã hội. Cụ thể, Chính phủ sẽ giảm lãi suất theo hướng lạm phát giảm; hạn chế tăng chi phí cho DN, trong đó giảm thuế TNDN theo lộ trình đến năm 2015; xem xét các khoản phí và lệ phí theo hướng không tăng gánh nặng cho DN”.

 

Cũng theo Phó Thủ tướng, Chính phủ sẽ cơ cấu lại DNNN trong môi trường kinh doanh cạnh tranh và bình đẳng, sắp xếp lại DNNN cổ phần hóa, giữ lại số lượng nhỏ DNNN trong các lĩnh vực độc quyền nhà nước, còn lại sẽ được cổ phần hóa hết trong giai đoạn 2015-2020.

 

Lương tăng 17%-18% vào 2013

 

Lương tối thiểu của Việt Nam hiện rất thấp nên có nhiều DN lợi dụng, gây khó khăn cho người lao động. Theo lộ trình đến năm 2015-2016, tiền lương tối thiểu chỉ mới đảm bảo được cuộc sống tối thiểu cho người lao động. Dự kiến năm 2013, Chính phủ sẽ tăng 22%-25% lương. Tuy vậy, một số hiệp hội, ngành hàng kiến nghị chỉ tăng khoảng 17%-18% và Chính phủ đã chấp thuận.

 

Phó Thủ tướng VŨ VĂN NINH


PLTPHCM

Tin cùng chuyên mục