Thanh tra toàn diện đường ống nước Sông Đà
Tại buổi họp báo về công tác thanh tra quý II/2014, ông Lượng cho biết, trong quý III/2014, TTCP dự kiến triển khai 6 cuộc thanh tra gồm: trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; thanh tra việc giao đất, giao rừng tại tỉnh Bình Phước; thanh tra việc chấp hành, quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác bảo đảm an toàn đối với hệ thống tín dụng và quyền lợi của người dân tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; thanh tra trách nhiệm của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; thanh tra việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi của báo chí về nội dung thanh tra tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Phó tổng TTCP Ngô Văn Khánh cho biết, đây là cuộc thanh tra theo kế hoạch từ trước; bên cạnh việc thanh tra các nội dung như những cuộc thanh tra khác, TTCP sẽ tiến hành thanh tra công tác nội bộ của đơn vị này, trong đó có công tác tổ chức cán bộ.
Chia sẻ những bức xúc của người dân qua phản ánh của các phóng viên về sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà đến lần thứ 9 trong thời gian vừa qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, ông Lượng cho rằng cần thiết phải tiến hành thanh tra toàn diện đối với dự án này.
“Lãnh đạo TTCP đã chỉ đạo các cục, vụ chức năng tổng hợp, đề xuất cụ thể, vì đây là vấn đề đang được dư luận quan tâm, gây bức xúc trong nhân dân”, ông Lượng nói và cho biết, cuộc thanh tra này sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ chủ quản và Bộ phải chủ động tiến hành thanh tra. Nếu Bộ chủ quản không thực hiện, TTCP sẽ có văn bản yêu cầu. Trong trường hợp khi có yêu cầu mà Bộ không làm thì TTCP sẽ vào cuộc.
Ngoài ra, ông Lượng cũng cho biết, trong quý III/2014, TTCP dự kiến ban hành 10 kết luận thanh tra, trong đó có kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng tài sản tại Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD); việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn và tài sản tại Tập đoàn Cao su Việt Nam; việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam…
6 tháng phát hiện 5 vụ tham nhũng
Trước đó, trong báo cáo của TTCP về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2014, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 3.399 cuộc thanh tra hành chính và 85.036 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 391.108 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra, phát hiện vi phạm 9.853,7 tỷ đồng, 1.082,4 héc-ta đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 6.818,7 tỷ đồng và 409,4 héc-ta đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 3.035,3 tỷ đồng, 673,1 héc-ta đất; đã kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 533 tập thể, 1.133 cá nhân; ban hành 103.360 quyết định xử phạt vi phạm đối với tổ chức, cá nhân với số tiền 1.173 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 18 vụ, 24 đối tượng.
Trong đó, về thanh tra hành chính, TTCP đã tiến hành 42 cuộc thanh tra, 4 cuộc kiểm tra. Hiện, đã ban hành 15 kết luận thanh tra. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 2.857,7 tỷ đồng, 638 héc-ta đất; kiến nghị thu hồi 783,4 tỷ đồng, 6 héc-ta đất.
Thanh tra các bộ, ngành địa phương triển khai 3.357 cuộc thanh tra, đã kết thúc, ban hành kết luận 1.848 cuộc. Qua thanh tra phát hiện vi phạm với số tiền 6.996 tỷ đồng, 444 héc-ta đất.
Về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, toàn ngành đã tiến hành 85.036 cuộc đối với 391.108 tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 298.337 tổ chức, cá nhân có vi phạm với số tiền trên 5.164 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, TTCP cũng hướng dẫn toàn ngành triển khai thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ. Hiện đã có 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thanh tra theo chuyên đề này.
Về phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, trong 6 tháng đầu năm 2014, phát hiện 5 vụ, 13 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 2.327 triệu đồng; đã thu 630 triệu đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 20 tập thể, 15 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 1 vụ, 5 đối tượng.
Không “nhẹ tay” với sai phạm tại VCCI
Liên quan tới cuộc thanh tra tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Hoàng Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc TTCP cho biết, đây là cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cũng là lần đầu tiên TTCP tiến hành thanh tra đối với một tổ chức phi chính phủ, độc lập, tự chủ về tài chính. Việc thực hiện thanh tra tại VCCI đã được TTCP thực hiện đúng tiến độ và đã ban hành kết luận thanh tra vào đầu tháng 4/2014.
Trước thắc mắc của báo chí về việc TTCP "nhẹ tay" trong việc kiến nghị xử lý trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu VCCI, ông Lượng khẳng định: “Không có chuyện đó, đối với các chức vụ Chủ tịch và Phó chủ tịch, TTCP nhận thấy có sai phạm, nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật, nên chỉ kiến nghị ở mức kiểm điểm trách nhiệm”.
Trả lời câu hỏi của báo giới về việc doanh nghiệp mà VCCI hợp tác để xây dựng tòa nhà trụ sở có chuyện "chân trong chân ngoài", ông Lượng cho biết, người đại diện của doanh nghiệp đó là một Phó tổng thư ký của VCCI. Sau khi biết thông tin, TTCP đã tham khảo ý kiến Bộ Nội vụ và biết được rằng, theo quy định, việc hợp tác này là đúng pháp luật, không vi phạm, vì Phó tổng thư ký của VCCI không phải là công chức hay viên chức Nhà nước. Việc hợp tác đầu tư này cũng chưa gây thiệt hại gì lớn đối với VCCI cũng như cho ngân sách nhà nước.
Về lĩnh vực thanh tra và xử lý sau thanh tra, ông Khánh khẳng định, tất cả các cuộc thanh tra đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà TTCP đã và đang tiến hành đều nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2014 của TTCP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ đầu năm. Mục đích các cuộc thanh tra này là nhằm giúp Chính phủ trong công tác điều hành, quản lý tốt hơn đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
“Do những cuộc thanh tra này thường diễn ra trên diện rộng, liên quan đến nhiều bộ, ngành, nên quá trình hoàn thiện dự thảo kết luận thường phải xin ý kiến các bộ, ngành, dẫn tới có chậm thời gian”, ông Khánh thừa nhận thực tế trên và cho biết, trong tháng 8 tới, TTCP sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vào công tác xử lý sau thanh tra bằng việc tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát đối với các địa phương trong việc xử lý sau thanh tra…