Những thương hiệu được thẩm định theo thời gian
Chia vui với Đầu tư Chứng khoán, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, BVSC có tên trong Top 100 DN được vinh danh tại Lễ trao giải Sao Vàng Đất Việt 2018 tới đây. Ông cũng chia sẻ, Ban giám khảo đã đến Công ty và thẩm định khá kỹ các mặt hoạt động, cả về sức khỏe tài chính và quản trị nhân sự.
Là DN niêm yết từ nhiều năm nay và có truyền thống làm tốt công tác công bố thông tin, đặc biệt là ấn phẩm Báo cáo thường niên, BVSC đã nhận được “điểm cộng” của các thành viên Ban giám khảo trong quá trình thẩm định về DN.
Cùng với đó, hiệu quả kinh doanh tăng trưởng ổn định, mục tiêu phát triển rõ ràng và văn hóa phát triển bền vững đã và đang ngấm vào từng nhân sự BVSC giúp BVSC trở thành đại diện duy nhất của khối công ty chứng khoán lọt vào Top 100 DN được vinh danh trong sự kiện năm nay.
Trong Top 10 DN được vinh danh 2018 chỉ có Công ty cổ phần Gỗ An Cường là DN chưa đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, các DN còn lại (Traphaco, Hòa Phát, Thành Thành Công, FPT, Vingroup, Hòa Bình…) đều đã gắn hoạt động kinh doanh với sự minh bạch trên TTCK.
Đây cũng là những DN trụ cột, làm nên sự đóng góp đáng kể trong Top 200 DN được vinh danh Sao Vàng Đất Việt 2018. Theo thống kê của Ban tổ chức, Top 200 thương hiệu Sao Vàng Đất Việt 2018 đã tạo ra trên 912.000 tỷ đồng doanh thu, nộp ngân sách trên 72.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 72.000 tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 417.000 lao động.
Sự nỗ lực của các DN không chỉ tạo ra lợi ích cho các bên liên quan, mà bản thân DN cũng trở nên có giá trị hơn trong đánh giá của các nhà đầu tư trên thị trường. Vingroup hiện có vốn hóa khoảng 14 tỷ USD, FPT có vốn hóa khoảng 1,2 tỷ USD, Hòa Phát có vốn hóa khoảng 4 tỷ USD…
Đây là khối DN dẫn đầu trong các ngành hoạt động công nghiệp hiện tại. Tính chung toàn TTCK Việt Nam đến cuối năm 2018, khối DN niêm yết có vốn hóa khoảng 5 triệu tỷ đồng, với dự kiến tăng trưởng của các DN này khoảng 20%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
DN nội cần vươn lên nắm vai trò “đầu đàn”
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân cho rằng, mục tiêu phấn đấu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào 2020 không phải là khó, đó là do cách chúng ta định nghĩa thế nào là một DN.
Nhưng mục tiêu cần hướng đến nhiều hơn là làm sao Việt Nam có nhiều DN lớn, DN đầu đàn. Hiện tại, lớp doanh nghiệp này còn rất mỏng với một số cái tên như Vingroup, Vietjet, Hòa Phát, TH True Milk, Tân Hiệp Phát…
Theo ông Thân, quan sát sự phát triển của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới cho thấy, Nhà nước rất trân trọng các doanh nghiệp đầu đàn. Sự trân trọng này không chỉ đến từ những đóng góp lớn cho mỗi quốc gia của khối DN mạnh, mà còn đến từ việc cộng đồng doanh nghiệp cần có những tấm gương để soi mình vào đó, để học hỏi và khát vọng vươn lên.
Theo các chuyên gia, nếu trong một ngành có DN đầu đàn đủ mạnh thì lợi ích nhãn tiền là doanh nghiệp sẽ tạo ra rất nhiều việc làm trong nền kinh tế, sử dụng hiệu quả nguồn lực con người và tài nguyên để tạo ra lợi ích và đóng thuế cho Nhà nước.
Hơn nữa, nếu mỗi ngành, nghề vun đắp cho mình DN đầu đàn là DN Việt, thì sẽ làm tăng niềm tin, niềm tự hào của nhân dân vào sức mạnh của nền kinh tế.
Đó là lý do không chỉ ông Thân, mà nhiều nhà kinh tế ngày càng quan tâm tìm hiểu để đưa ra những câu chuyện về các DN lớn mạnh, đã khẳng định được vị thế của mình trên thương trường và sẵn sàng kết nối, chia sẻ để giúp cộng đồng cùng phát triển.
Trân trọng những doanh nghiệp đầu đàn và tìm giải pháp thúc đẩy các thành phần ưu tú này vững bước là tâm thái chung của nhiều tổ chức, nhà nghiên cứu, nhà làm luật hiện nay.
Bên cạnh đó, một xu hướng khác đáng quan tâm là ngày càng có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp thành đạt dành thời gian, tâm sức tham gia các diễn đàn, sự kiện, hội thảo để chia sẻ tri thức, kinh nghiệm thương trường đến cộng đồng doanh nghiệp và các thế hệ trẻ. Hy vọng sức bật của nền kinh tế chia sẻ và kết nối tại Việt Nam sẽ trỗi dậy từ những nỗ lực và khát vọng vì cộng đồng.