Sáng tối lợi nhuận ngân hàng nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đa phần các ngân hàng quy mô nhỏ ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương trong 9 tháng đầu năm 2021, nhưng việc bị “ngấm đòn” Covid cũng đã rõ ràng hơn.
Covid-19 đã “ngấm” sâu hơn vào hoạt động ngân hàng. Ảnh: Dũng Minh Covid-19 đã “ngấm” sâu hơn vào hoạt động ngân hàng. Ảnh: Dũng Minh

Sớm cán đích khiêm tốn

Trao đổi với phóng viên, Phó tổng giám đốc Viet Capital Bank (mã BVB) Phạm Anh Tú cho biết, mặc dù lợi nhuận quý III/2021 sụt giảm, nhưng chủ yếu do các chương trình, chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch như tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất…, chứ không xuất phát từ hoạt động kinh doanh kém tích cực.

Thực vậy, lợi nhuận trước và sau thuế hợp nhất của Viet Capital Bank quý III/2021 đạt lần lượt 48,37 tỷ đồng và 38,647 tỷ đồng, giảm 48% và 36% so cùng kỳ năm trước do lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 15%, trong khi chi phí hoạt động tăng 16%, đặc biệt là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng kỳ này tăng đến 174%. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước và sau thuế hợp nhất của Viet Capital Bank vẫn đạt lần lượt 385,6 tỷ đồng và 308,3 tỷ đồng, tăng tương ứng 280% và 181% so cùng với kỳ năm trước.

Tại VietBank (mã VBB), kết thúc quý III/2021, do kinh doanh ngoại hối giảm 18% so với cùng kỳ 2020, chi phí dự phòng tăng gấp đôi lên hơn 51 tỷ đồng, nên lãi trước và sau thuế giảm lần lượt 21% và 18%, chỉ còn hơn 68 tỷ đồng và 54 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, VietBank báo lãi trước và sau thuế tăng 6% so với cùng kỳ, đạt lần lượt gần 395 tỷ đồng và 314 tỷ đồng.

Như vậy, so với kế hoạch kinh doanh “tối thiểu” đề ra tại kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 thì VietBank đã hoàn thành kế hoạch 390 tỷ đồng lãi trước thuế của năm 2021, nhưng nếu so với mục tiêu lợi nhuận “phấn đấu” ở mức 1.100 tỷ đồng thì mới thực hiện được 36% kế hoạch.

Trong quý III/2021, ngoại trừ hoạt động chính là tín dụng, hầu hết hoạt động khác của Saigonbank (mã SGB) đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Saigonbank báo lãi trước và sau thuế tăng lần lượt 11% và 10% so với cùng kỳ, đạt 194 tỷ đồng và 161 tỷ đồng.

Với mục tiêu lợi nhuận 135 tỷ đồng trước thuế đưa ra cho năm nay, Saigonbank đã vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐQT Saigonbank Vũ Quang Lãm, đây là lợi nhuận sau khi trích dự phòng rủi ro tín dụng 227 tỷ đồng, còn kế hoạch lợi nhuận chưa trích lập vào khoảng 362 tỷ đồng.

“Dịch bệnh tác động lên nợ xấu nên đòi hỏi Saigonbank phải trích lập dự phòng rủi ro cao, dẫn tới ảnh hưởng đến lợi nhuận”, ông Lãm nói.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh sau 9 tháng đầu năm 2021 của NCB (mã NVB) tăng 45% lên hơn 531 tỷ đồng góp phần giúp ngân hàng này ghi nhận lãi trước và sau thuế lần lượt 206 tỷ đồng và 164 tỷ đồng, tăng tương ứng 7,2 lần và 7,7 lần cùng kỳ, qua đó hoàn thành 53% kế hoạch lợi nhuận năm, cho dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao trong quý III/2021 và lũy kế 9 tháng đầu năm phải trích lập gần 146 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ trích lập 38 tỷ đồng).

ABBank (mã ABB) ghi nhận 1.556 tỷ đồng lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm 2021, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 78,9% kế hoạch lợi nhuận năm. Thế nhưng, ông Lê Hải, Tổng giám đốc ABBank cho biết, kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn hơn nhiều so với điều kiện bình thường, khi phải đồng thời cân đối giữa hiệu quả kinh doanh, sự phát triển của Ngân hàng với trách nhiệm hỗ trợ cộng đồng, chia sẻ gánh nặng cùng khách hàng. Theo ông Hải, ABBank đã có nhiều sự điều chỉnh chính sách phù hợp cho từng thời điểm biến động của thị trường để cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Khó tăng cao trong quý IV

Tuy đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2021 sau 3 quý đầu năm, nhưng ông Phạm Anh Tú cho rằng, những tác động của dịch bệnh đến khách hàng thời gian qua không chỉ nghiêm trọng mà còn kéo dài, vì vậy trong quý IV/2021, Viet Capital Bank sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch, đồng thời ưu tiên nguồn lực cho trích lập dự phòng.

“Định hướng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận quý IV/2021, nhưng chúng tôi cho rằng đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững cho cả khách hàng và ngân hàng”, ông Tú nói.

Cũng theo ông Tú, để hoàn thành mục tiêu kinh doanh đề ra trong bối cảnh thị trường khó khăn, Viet Capital Bank đã tăng cường kiểm soát rủi ro, tiết kiệm chi phí hoạt động nên tổng chi phí hoạt động quý III/2021 thấp hơn quý II/2021, đồng thời tăng cường số hóa sản phẩm, dịch vụ để gia tăng nguồn thu ngoài lãi.

“Trong thời gian giãn cách xã hội, tỷ lệ khách hàng mới trên kênh ngân hàng số của Viet Capital Bank tăng hơn 100%, số lượng giao dịch cũng tăng 20% so với trước dịch với tỷ trọng giao dịch online chiếm hơn 60%. 9 tháng đầu năm 2021, số lượng giao dịch và giá trị giao dịch qua kênh ngân hàng số đều tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, giúp lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 26%”, ông Tú chia sẻ thêm.

Tại ABBank, tính đến ngày 30/9/2021, có 26.565 khách hàng được cơ cấu lại nợ với tổng dư nợ tái cơ cấu lên đến 14.613 tỷ đồng, số tiền lãi giảm cho khách hàng là 53,5 tỷ đồng. Ông Lê Viết Hải cho hay, việc chia sẻ lợi nhuận kinh doanh để giảm lãi vay, cơ cấu nợ cho khách hàng được Ngân hàng chủ động thực hiện. Vì thế, lợi nhuận được cân đối nhờ định hướng chuyển dịch nguồn thu từ dịch vụ, chuyển đổi hoạt động ngân hàng số giúp tiết giảm chi phí, tối ưu hóa năng suất.

“Gần 2 năm qua, dịch bệnh đã gây ra nhiều thiệt hại cho không chỉ doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, mà cả khối ngân hàng. Những hệ lụy này sẽ còn là bài toán nan giải của nền kinh tế trong thời gian tới. Về phía ABBank, chúng tôi đã xây dựng chính sách ưu đãi để hỗ trợ các khách hàng và đối tác của mình cùng vượt qua khó khăn hiện nay”, ông Hải nói.

Xác định ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ còn kéo dài nên các ngân hàng đều cho rằng lợi nhuận quý cuối năm nay khó kỳ vọng ở mức cao. Điều này phần nào được phản ánh trong kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý IV/2021 do Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) vừa thực hiện cho thấy, chỉ 54% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý IV/2021 và cả năm 2021, thấp hơn so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước lần lượt là 67,6 % và 73,3%; chỉ 40,6% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh quý IV sẽ tăng trưởng so với quý III. Xét tổng thể cả năm 2021, có 83,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 13,3% lo ngại lợi nhuận giảm.

Thực tế, Covid-19 đã “ngấm” sâu hơn vào hoạt động ngân hàng, vì thế không ít nhà băng nhỏ báo lãi giảm trong quý III/2021 và chỉ nhờ hoàn nhập dự phòng mới kéo lợi nhuận 9 tháng tăng lên.

Đơn cử, tại PGBank (mã PGB), hiệu quả kinh doanh quý III/2021 sa sút thấy rõ, khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 41% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 95 tỷ đồng, đó là đã tính cả việc được hoàn nhập 1,7 tỷ đồng mà không phải trích dự phòng rủi ro trong kỳ. Tuy nhiên, nhờ chi phí dự phòng tín dụng giảm đến 64%, nên PGBank báo lãi trước và sau thuế gấp đôi cùng kỳ, đạt 272 tỷ đồng và 218 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, tính đến 30/9/2021, nợ xấu của ngân hàng này tăng tới 13%.

Tương tự, báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 vừa công bố của VietABank (mã VAB) cho thấy, hầu hết hoạt động đều tăng trưởng âm. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm đến 47% so với cùng kỳ, đạt 267 tỷ đồng, song việc chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm đến 71%, chỉ còn phải trích lập 140 tỷ đồng, nên Ngân hàng thu về được 126 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 7 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, VietABank báo lãi trước thuế gấp 3 lần cùng kỳ, đạt hơn 522 tỷ đồng.

TS. Nguyễn Văn Thuận, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với khách hàng trong mùa dịch là cần thiết, nhưng động thái này cũng sẽ khiến thu nhập lãi thuần chịu áp lực giảm trong quý III vừa qua, thậm chí cả quý IV này.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục