Sản xuất thử chip bán dẫn cần nguồn lực rất lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam đang có tiềm năng về ngành công nghiệp bán dẫn nhưng theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc đầu tư sản xuất thử cần nguồn lực rất lớn, ước tính ban đầu lên đến 7 tỷ USD.
Việt Nam đang có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn (Ảnh minh hoạ) Việt Nam đang có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn (Ảnh minh hoạ)

Cuối buổi sáng 6/6, sau khi hoàn thành phần chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với 4 vị Bộ trưởng, trưởng ngành, Quốc hội dành 60 phút để chất vấn lãnh đạo Chính phủ về một số vấn đề có liên quan đến công tác điều hành. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà được phân công thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu vấn đề, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tập trung vào ngành công nghiệp bán dẫn và có sự phát triển vượt bậc. "Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về cơ hội tham gia vào ngành công nghiệp hấp dẫn này của Việt Nam và Việt Nam cần có những giải pháp gì để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn?", đại biểu nêu câu hỏi chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đang phát triển rất mạnh về kinh tế số với tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng GDP 12 - 15%. Nhiều doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực kinh tế số, công nghệ cao đã sang đầu tư ở nước ta. Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để tham gia sâu vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, nhưng trước tiên cần đảm bảo yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một đề án để chuẩn bị cho đào tạo nguồn nhân lực đối với công nghệ thông tin với mấy yêu cầu cơ bản sau:

Thứ nhất là quan tâm đào tạo ngay, đào tạo lại những kỹ sư, những người đã được đào tạo trong các trường đại học đã có đầy đủ các kiến thức, nền tảng có thể tiếp cận ngay và tham gia vào trong chuỗi này, đặc biệt là tham gia vào thiết kế, đóng gói, kiểm chuẩn.

Thứ hai, bên cạnh nguồn nhân lực trong nước thì chúng ta có một lợi thế là lực lượng lao động ở nước ngoài rất đông cộng với lượng người Việt Nam ở nước ngoài có năng lực tham gia vào lĩnh vực này. Bằng những cơ chế, chính sách, chúng ta có thể huy động sự tham gia của lực lượng nhà khoa học ở nước ngoài để đầu tư.

Thứ ba là chúng ta phải thu hút được các doanh nghiệp liên quan đến điện tử, liên quan đến sử dụng các chip điện tử bán dẫn, đồng thời chúng ta cũng nên xây dựng một ngành của Việt Nam liên quan đến phát triển các lĩnh vực điện tử và ứng dụng các công nghệ cao, song song với đào tạo một cách bài bản hơn các lĩnh vực cơ bản khác như vật liệu, vật lý, hóa học, công nghệ thông tin... để chủ động nắm bắt và làm chủ cơ hội.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn

Sau khi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) tiếp tục chất vấn về vấn đề này.

Ông Hạ nói rằng, trong phần trả lời đại biểu Việt Nga, Phó Thủ tướng mới chỉ nêu lên tiềm năng của Việt Nam, trong đó chúng ta đang chuẩn bị nguồn nhân lực; nhưng vấn đề hiện nay là làm sao tận dụng được cơ hội sớm nhất, nhanh nhất, biến những tiềm năng thành lợi thế để thu hút các nhà đầu tư.

Qua phương tiện thông tin đại chúng, đại biểu thấy rằng các nước như Trung Quốc bỏ ra 45,5 tỷ USD, Hàn Quốc bỏ ra hơn 7 tỷ USD để hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn. Từ đó đại biểu chất vấn Phó Thủ tướng: Việt Nam phải chuẩn bị những gì để đón đầu thu hút được các nhà đầu tư? Hiện nay, ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp công nghệ bán sản phẩm cho Mỹ sử dụng, nhưng bán ở trong nội địa thì không ai mua, thậm chí trong nội địa mua đắt gấp 5 - 10 lần nhưng chúng ta cũng không sử dụng. Vậy cơ chế nào để khuyến khích khơi dậy nguồn lực, tiềm năng nội tại của đất nước chúng ta?

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam)

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam)

Về vấn đề trao đổi của đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Thủ tướng cho biết, chúng ta đã chuẩn bị 50.000 - 100.000 USD đầu tư cho đào tạo và đào tạo lại nhân lực. Về lâu dài khi tham gia đầy đủ các chuỗi giá trị, nắm bắt đầy đủ các khâu, nguồn lực đầu tư là cả một vấn đề.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nay ta có lợi là nhờ các nước đang làm chủ các thiết bị liên quan đến thiết kế, làm chủ các công nghệ liên quan đến sản xuất và họ có thể chuyển cho chúng ta một phần công nghệ và Việt Nam được ưu tiên. Song thực tế để nắm bắt các công nghệ đó, để sản xuất chế tạo công nghệ thì đó là cả một vấn đề, cần phải có nghiên cứu cơ bản rất nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau và cần phải triển khai một cách lâu dài.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sẽ đầu tư một số trung tâm khoa học công nghệ để phục vụ cho công tác nghiên cứu cơ bản cho các trường tham gia dùng chung. Một số trung tâm đổi mới sáng tạo sẽ được đầu tư để tiến hành những công đoạn ban đầu có thể làm được cho đến phát triển khâu nghiên cứu cơ bản để có thể làm chủ được các bước sau.

"Những đầu tư này rất lớn, ví dụ như để đầu tư khu vực sản xuất thử (với dự kiến có thể phải sản xuất thử đến hàng trăm lần mới ra được một chip đạt được yêu cầu) có thể phải đầu tư đến 7 tỷ USD", Phó Thủ tướng cho hay.

Vì thế, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần phải có Nhà nước tham gia, cùng với sự tham gia của các khối doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ nghiên cứu nhu cầu của thị trường, trên cơ sở đó mới tính đến nguồn cung để đầu tư.

Cũng quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) chọn chất vấn câu chuyện an ninh năng lượng phục vụ ngành này.

Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An)

Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An)

Theo đại biểu, thời gian gần đây đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam, trong đó có những dự án công nghệ cao, sản xuất chip bán dẫn. Tuy nhiên, trong những vấn đề mà các nhà đầu tư quan ngại là việc bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt là cung ứng điện qua cơ chế mua bán điện tái tạo trực tiếp.

"Xin Phó Thủ tướng cho biết, thực trạng của việc cung ứng điện phục vụ sản xuất hiện nay, trong đó có việc phục vụ các dự án tiềm năng này. Thực trạng đó đã ảnh hưởng như thế nào đến các cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua? Quy hoạch điện VIII hiện nay đang được ngành điện triển khai như thế nào? Có những khó khăn gì và chỉ đạo giải pháp của Chính phủ trong thời gian tới?", ông Minh nêu câu hỏi.

Trả lời, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định, năm 2023, chúng ta có một giai đoạn thiếu điện cục bộ ở một số địa phương thuộc miền Bắc. Thời gian vừa qua, với sự chỉ đạo hết sức quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, chúng ta quan tâm đến triển khai các công trình, dự án liên quan đến nguồn điện; đồng thời tháo gỡ các dự án đang vướng mắc hiện nay về cơ chế, chính sách để đầu tư. Giải pháp thứ ba là chúng ta đã giải quyết khâu phân phối điện thông qua xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 với một thời gian rất thần tốc, khoảng cuối tháng 6 này khởi công.

Như vậy, vấn đề điều tiết điện giữa các vùng miền sẽ giải quyết được ở mức trong một số năm. Đồng thời, hiện nay chúng ta đã có giải pháp liên quan đến đa dạng hóa các nguồn điện và đảm bảo cạnh tranh các nguồn điện thông qua việc xây dựng nghị định liên quan đến mua, bán điện trực tiếp đối với các khách hàng, đối với năng lượng tái tạo. Chúng ta cũng đang chuẩn bị xây dựng và ban hành nghị định để mọi người dân có mái nhà đều có thể cung cấp nguồn điện tự sản tự sinh để tiêu dùng.

"Từ góc độ này tôi cho rằng, với trách nhiệm của Nhà nước, các nguồn điện sẽ được đảm bảo cung cấp đầy đủ, an toàn. Cộng với trách nhiệm chủ động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực cần phải đảm bảo an ninh năng lượng, tôi cho rằng chúng ta có thể giải quyết được vấn đề này", ông Hà nói.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục