Các nhà nghiên cứu tìm ra phương pháp tạo kim cương nhân tạo có cấu trúc vật lý và thành phần hóa học giống kim cương khai thác dưới lòng đất, Science Alert hôm 9/4 đưa tin. Thị trường dành cho kim cương sản xuất trong phòng thí nghiệm đang tăng trưởng chậm rãi nhưng chắc chắn, cung cấp lựa chọn thay thế rẻ hơn, thân thiện với môi trường hơn mà chất lượng vẫn như kim cương tự nhiên.
"Đối với người tiêu dùng trẻ hiện đại, liệu họ có thực sự quan tâm viên kim cương họ mua hình thành trên mặt đất hay dưới lòng đất", Chaim Even-Zohar, chuyên gia đến từ Tacy, công ty tư vấn về kim cương ở Israel, nói.
Quá trình sản xuất kim cương bắt đầu bằng cách đặt một mẩu kim cương cực nhỏ (gọi là hạt carbon) vào lò vi sóng cùng với hỗn hợp khí methane và loại khí chứa carbon khác. Hỗn hợp khí này được làm nóng đến nhiệt độ rất cao trong lò vi sóng để sản sinh khối cầu plasma. Bên trong khối cầu, khí gas bị phân tách, nguyên tử carbon kết tinh và tích tụ thành hạt kim cương, khiến khối kim cương lớn dần.
Thời gian để sản xuất một viên kim cương có thể bán trên thị trường là 10 tuần. Nhưng phương pháp này hiệu quả đến mức giới chuyên gia cần sử dụng một cỗ máy để phân biệt kim cương trong phòng thí nghiệm với kim cương đào từ mỏ hoặc lòng sông.
Kim cương nhân tạo chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong thị trường kim cương toàn cầu trị giá 80 tỷ USD. Năm 2014, ước tính 360.000 carat kim cương được sản xuất trong phòng thí nghiệm trong khi khoảng 146 triệu carat kim cương tự nhiên có nguồn gốc từ khai thác mỏ. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy chưa đến một nửa người tiêu dùng Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 35 tỏ ra yêu thích kim cương tự nhiên.
Số lượng kim cương sản xuất trong phòng thí nghiệm được sự đoán sẽ tăng vọt tới 20 triệu carat vào năm 2026 và giá bán chỉ bằng 1/2 so với kim cương tự nhiên. Theo Bloomberg, tại cửa hàng trang sức ở New York, một carat kim cương nhân tạo có giá 6.000 USD với mức giá 10.000 USD của kim cương tự nhiên kích thước tương đương.