Rủi ro luôn hiện hữu
Thực tế, ở vùng 960 điểm của VN-Index, có mấy điểm mà nhà đầu tư đang khá quan tâm. Thứ nhất, đà tăng của thị trường quá nhanh liệu có rủi ro hay không? Thứ hai, việc nhóm cổ phiếu trụ như VHM, VIC, MSN, VNM, kể cả SAB tham gia đẩy chỉ số như vậy, có còn tăng được nữa không?
Ở góc độ phân tích kỹ thuật, việc chỉ số VN-Index mới bứt qua đường MA 200 và đang chạm dải trên đường Bolingger Band 50 đang hàm ý rằng, VN-Index tăng khá nóng. Thậm chí, chỉ số có thể điều chỉnh khi nhìn lại diễn biến của thị trường trong nửa cuối năm 2018, thời điểm chỉ số luôn điều chỉnh khi chạm đến hoặc vượt qua dải này.
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán cho rằng, sau một nhip tăng khá ấn tượng, một bộ phận nhà đầu tư đã lo ngại về một số rủi ro sẽ xuất hiện, nên tham gia vào thị trường có phần rụt rè hơn.
Tuy nhiên, TTCK luôn có những điều khó lý giải. Ngay cả khi khi nhiều người nghi ngờ nó vẫn tăng, ngược lại, khi niềm tin tưởng như tràn ngập sàn, chỉ số vẫn có thể giảm. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, việc vận dụng nhóm cổ phiếu lớn để kéo chỉ số lên là dễ thấy và việc này rõ ràng đã có tác động tích cực. Dòng tiền tham gia thị trường tăng lên, biểu hiện ở thanh khoản ghi nhận tăng mạnh so với thời điểm trước kỷ nghỉ Tết Nguyên đán 2019.
Dòng tiền mạnh trong thời gian vừa qua đến nhiều từ các nhà tạo lập thị trường (MMs) khi nhóm này mới là người nhập cuộc mạnh. Trong khi đó, những nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể chỉ “ăn theo” đôi chút, hoặc đứng im với danh mục cũ chờ cơ hội chốt lời.
“Hầu hết các cổ phiếu chỉ tăng khoảng 5-10%, chưa quá lớn nên dư địa thị trường bùng nổ còn nhiều. Thường thì khi giá trị giao dịch tăng cao, nhà đầu tư cá nhân bắt đầu theo xu hướng rót tiền vào và đó là lúc có người kiếm được tiền. Tất nhiên, sau đó có thể có người lại thua lỗ” ông Bình chia sẻ.
Hiện tại, các yếu tố trên TTCK vẫn ủng hộ xu hướng tăng trong tương lai. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn khởi động, nên có thể chỉ số sẽ có những biến động mạnh xen kẽ tăng, giảm do tác động của cổ phiếu lớn. Dù trong hoàn cảnh nào, dòng tiền vẫn sẽ phản ứng theo hướng luân chuyển nhanh theo các nhóm cổ phiếu. Những cổ phiếu được dự báo có diễn biến tích cực, hoặc có thông tin hỗ trợ sẽ tăng giá khi DN có kế hoạch kinh doanh 2019 khả thi hoặc quyết định chi cổ tức cao năm 2018…
Về thông tin vĩ mô, nhiều chuyên gia cho rằng, việc Tổng thống Trump giãn thời gian đàm phán thương mại với Trung Quốc có thể sẽ tạo ra một khoảng ổn định với thị trường thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Giám đốc đầu tư của một CTCK lớn chia sẻ, diễn biến này cho thấy 2 vấn đề.
Một là Tổng thống Mỹ tập trung vào cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên sắp tới, nhưng mặt khác nó cho thấy cuộc chiến thương mại đang tác động quá nhanh đến nền kinh tế 2 cường quốc. Nhịp “nghỉ” này có thể là cơ hội để các nhà lập chính sách đánh giá thêm tác động mới.
“Có những mối lo ngại khi lạm phát tại Mỹ tăng 1,6%, thấp nhất trong hơn 1 năm qua. Trong khi đó, nợ công của Mỹ tăng nhanh và thế giới bắt đầu lo lắng về điều này trong bối cảnh nhiều chính sách của Thổng thống Mỹ không như kỳ vọng. Nền kinh tế thứ 2 thế giới còn có nhiều nguy cơ hơn nữa, những số liệu công bố cho thấy sự tích cực nhưng lại ẩn chứa nhiều sự nguy hiểm. Chính những điều này khiến Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) ông Powell lo lắng và kế hoạch tăng lãi suất thêm trong năm 2019 có thể khó thực hiện. Diễn biến của các nền kinh tế lớn luôn tác động đến TTCK toàn cầu, trong đó có Việt Nam”, vị này chia sẻ thêm.
Chọn chiến thuật đầu tư nào?
Tại TTCK Việt Nam, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược CTCK Dầu khí cho rằng, điểm nổi bật trong giao dịch hai tuần đầu tháng 2 vừa qua là các cổ phiếu lớn, chủ chốt như VIC, VNM, HCM, EIB, PPC đã đồng loạt tăng mạnh, kéo chỉ số VN-Index tăng mạnh. Nhiều cổ phiếu bất động sản tưởng như bị quên lãng, nay tăng giá trở lại như NTL, SJS, NLG, DIG…
Thanh khoản trung bình toàn thị trường đã tăng 15 - 20% so với thanh khoản trung bình tháng 1/2019. Khi dòng tiền lớn được kích hoạt, nhiều nhà đầu tư dần quên Tết và “để mắt” đến cơ hội kiếm lời. Chiến thuật mua - bán nhanh theo ngày T đang được nhiều nhà đầu tư áp dụng để quay vòng dòng tiền.
Tuy nhiên, chiến thuận này không phải dễ dàng cho các nhà đầu tư, mà chỉ phù hợp đối với những nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm đầu cơ, vì nhiều nhà đầu tư không kịp chờ ngày T thì giá đã điều chỉnh.
“Ở thời điểm này, nhà đầu tư nên chọn chiến lược nắm giữ cổ phiếu trong một khoảng thời gian nhất định trên cơ sở đánh giá cổ phiếu theo kỳ vọng” ông Khánh khuyến nghị. Lý do là mua lướt sóng theo xu hướng tăng có thể kiếm lãi tạm thời, nhưng lướt tiếp thì chưa biết tài khoản sẽ đi về đâu.
Dù thị trường tăng, nhưng nguy cơ điều chỉnh luôn hiện hữu. Anh Hoàng Văn Nam, nhà đầu tư tại MBS chia sẻ, anh đã chốt lãi toàn bộ danh mục cổ phiếu mua trước Tết, trong đó có cả những cổ phiếu tiềm năng trong ngành ngân hàng, chứng khoán… Với mức lãi bình quân trên 10%, anh Nam đang chờ thị trường điều chỉnh để mua lại. “Nếu thị trường vẫn tăng thì tôi sẽ đứng ngoài vì mua ở vùng này sẽ chịu nhiều rủi ro”, anh Nam chia sẻ.
Về lý thuyết, đa số nhà đầu tư sẽ được lợi khi thị trường tăng điểm. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều nhà đầu tư vẫn thua lỗ ngay khi thị trường tăng. “Thị trường tăng tạo nên một lực hấp dẫn rất mạnh. Tuy nhiên, nhiều người mất tiền là bởi lao đầu vào mua và đến ngày T+3 thì cổ phiếu mua được lại quay đầu giảm”, anh Nam chia sẻ và cho rằng, nguy cơ mất tiền ngay trên thị trường tăng còn bởi dù chỉ số có tăng mạnh thì vẫn luôn có trên 1/3 mã cổ phiếu “lạc điệu” tăng trưởng, tức là nhuộm màu đỏ trên sàn.
Vậy trong các nhịp rung lắc, có xuất hiện cơ hội cho các hoạt động mua bán để nâng tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn?
Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam, nếu dự báo thị trường sẽ chỉ trải qua nhịp điều chỉnh ngắn hạn thì việc thay đổi tỷ trọng danh mục là không cần thiết.
Thực tế, vùng giá hiện tại của các nhóm cổ phiếu dẫn dắt đang không phải quá hấp dẫn. Cũng theo ông Đức Anh, nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp điều chỉnh tới đây để cơ cấu lại danh mục, hướng đến nhóm cổ phiếu mà DN đại diện có kết quả tăng trưởng tốt, kỳ vọng cao cho năm 2019, với thị giá thấp hơn so với thị trường chung.
Nhà đầu tư đang chờ đợi VN-Index trở lại mốc 1.000 điểm nhưng thực tế mốc 1.000 điểm của hiện tại sẽ khác với 1.000 điểm của cách đây 11 năm khi quy mô thị trường đã lớn hơn rất nhiều. Do vậy, việc lựa chọn chiến thuật phù hợp với diễn biến của thị trường trong từng giai đoạn là điều nhà đầu tư luôn trăn trở.
Theo nhà đầu tư Anh Tuấn, 2019 sẽ là năm của cổ phiếu vốn hóa lớn. Đây cũng là năm một số doanh nghiệp trong ngành bất động sản có đất nền sẽ được hưởng lợi từ việc giá đất tăng.
“Thị trường có nhiều cơ hội hơn, nhưng cũng sẽ khó lựa chọn hơn. Thực tế, những ngành được dự báo tích cực hầu hết giá cổ phiếu đã tăng mạnh, tức là thông tin đã phản ánh vào giá”, anh Tuấn Anh chia sẻ. Tuy nhiên, theo nhà đầu tư này, cơ hội có thể ở trong những ngành như tài chính, chứng khoán, ngân hàng, tiêu dùng, sắt thép, vật liệu xây dựng và công nghệ thông tin khi các DN trong ngành này đang có nhiều dư địa để phát triển.
Với vốn hóa TTCK đạt khoảng 80% GDP, nhiều nhà đầu tư cũng tin rằng, quy mô này đủ lớn hấp dẫn dòng vốn quốc tế. Thị trường 2019 có nhiều triển vọng hơn rủi ro, nhưng với một lượng tiền hữu hạn, chọn đầu tư cụ thể vào đầu để có lãi, luôn cần nhà đầu tư chọn lọc nghiên cứu về DN, chứ không dễ thắng nếu chỉ nương theo xu hướng thị trường.