Xu hướng không thể đảo ngược
Hội nghị “Tăng cường hợp tác với các quỹ đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tăng trưởng bền vững” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức chiều 25/11/2022 phải kê thêm nhiều ghế do lượng khách quan tâm đến tham dự rất đông.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Với vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, quan trọng của cả nước, chiếm gần 65,3% tổng tài sản và gần 63% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp có vốn nhà nước hiện nay, Ủy ban đang xây dựng và thực hiện Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý, trong đó tập trung vào 2 định hướng lớn.
Thứ nhất, huy động hiệu quả mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban trên cơ sở khoa học, kỹ thuật, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển các tập đoàn, tổng công ty gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ hai, thu hút nhà đầu tư chiến lược vào doanh nghiệp, ưu tiên phát triển, hợp tác phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ số, công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong 2 năm qua, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng lạc quan, đạt hơn 31 tỷ USD trong năm 2021, tăng 9,2% so với năm 2020 và hơn 18 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2022.
Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đang tăng cường thu hút nguồn tài chính xanh và nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nhằm phục vụ các mục tiêu đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, với trọng tâm là cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước và tận dụng các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.
“Việc chuyển đổi sang tăng trưởng xanh là hết sức cấp thiết, nhưng cũng sẽ đòi hỏi huy động nguồn lực rất lớn cho việc triển khai các dự án thân thiện môi trường, đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở…. Để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho việc thực hiện các mục tiêu nêu trên, ngoài nguồn lực quan trọng của các doanh nghiệp trong nước thì việc hợp tác với các quỹ đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư nước ngoài là hết sức cần thiết”, ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Hải Phòng nêu quan điểm.
Hải Phòng đang tập trung nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm như dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP. Hải Phòng từ ĐT.353 đến cầu Thái Bình; dự án mở rộng sân đỗ máy bay và xây dựng nhà ga hành khách số 2 (T2) sân bay Cát Bi, các tuyến đường vành đai thành phố và dự án đầu tư các bến mới tại cảng nước sâu thuộc cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng...
Ông Quân cho biết thêm, khi đến đầu tư tại Hải Phòng, các nhà đầu tư có thể nhanh chóng tìm được địa điểm đầu tư tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải có tổng diện tích khoảng 22.540 ha với ưu đãi lớn nhất và tại 14 khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên là 5.669,75 ha.
Giai đoạn đến năm 2025, thành phố sẽ tập trung phát triển và mở rộng 15 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.418 ha, giai đoạn đến năm 2030 phát triển thêm 1.433 ha diện tích đất khu công nghiệp. Hiện nay, tại thành phố đã có một số nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp định hướng xây dựng và triển khai khu công nghiệp sinh thái để sẵn sàng quỹ mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư thứ cấp hướng đến mô hình doanh nghiệp xanh gắn với phát triển bền vững.
Quỹ lớn sẵn sàng "mở hầu bao"
Theo Đại sứ Trưởng Phái đoàn Liên minh EU tại Việt Nam Aliberti Giorgio, EU đã đạt được thỏa thuận huy động ít nhất 1.000 tỷ EUR để triển khai các khoản tài trợ, khoản vay, trong đó có cả trái phiếu xanh.
“Chúng tôi có khung cho trái phiếu xanh, trong đó quy định rõ nguồn vốn huy động thế nào, chi tiêu ra sao. Tỷ lệ sử dụng trái phiếu chia theo ngành nghề, trong đó đầu tư vào giao thông và hạ tầng cơ sở xanh chiếm hơn 50%. Ủy ban châu Âu lập nhóm để ra quyết định, bao gồm các chuyên gia về kỹ thuật, về tài chính bền vững… Chúng tôi cung cấp công cụ cho tất cả mọi lĩnh vực để họ chuyển đổi sang kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Khi doanh nghiệp trở nên mạnh mẽ, tự cường, họ có thể đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế, giảm thiểu các hành động giả mạo phát triển xanh”, đại sứ cho biết.
Đặc phái viên của Chính phủ Anh về COP26 John Murton cũng chia sẻ, Chính phủ Anh huy động các nguồn lực và triển khai các chương trình hành động để đảm bảo dừng sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu hóa thạch phải cam kết đến cuối năm nay thay đổi sang năng lượng sạch.
Cam kết của Việt Nam về mục tiêu năm 2050 được Chính phủ Anh ủng hộ. Theo đó, việc tạo ra các quan hệ đối tác đầu tư về chuyển đổi năng lượng đem lại sự quan tâm cho các nhà đầu tư; chính sách, thông tin rõ ràng hơn cũng sẽ đem lại sự yên tâm cho các nhà đầu tư bỏ vốn.
Cần ban hành các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất cho hoạt động tăng trưởng xanh và bền vững.
Ở góc độ nhà đầu tư lớn, Giám đốc Quỹ KKR khu vực châu Á - Thái Bình Dương phụ trách đầu tư cơ sở hạ tầng Projesh Banerjea cho biết, những quỹ như KKR sẵn sàng cùng Việt Nam chia sẻ gánh nặng trong quá trình chuyển đổi.
Dù vậy, Việt Nam phải tập trung để phát triển cơ sở hạ tầng linh hoạt hơn, thúc đẩy sản phẩm, hệ thống năng lượng, phát điện, sản xuất điện, sản xuất xe chạy điện. Một lĩnh vực được các nhà đầu tư lớn quan tâm là y tế, cũng như xu hướng đô thị hóa gắn với các dự án cải thiện về cơ sở hạ tầng.
“Chúng tôi rất muốn làm việc với Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng”, lãnh đạo Quỹ KKR nói.
Khi xu hướng xanh trở thành nhu cầu tự thân của nhiều nhà đầu tư lớn, sẽ có nhiều cơ hội hợp tác, gọi vốn trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch SCIC cho biết, hội nghị đã thu nhận được nhiều sáng kiến, đề xuất cụ thể như cần tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về pháp lý trong việc huy động nhà đầu tư nước ngoài tham gia và quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tăng trưởng xanh và bền vững; ban hành các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất cho hoạt động tăng trưởng xanh và bền vững; tạo lập khuôn khổ pháp lý phù hợp cho sự vận hành của quỹ đầu tư thực hiện chức năng nhà đầu tư chính phủ tại Việt Nam.
Những đề xuất và sáng kiến của hội nghị sẽ là cơ sở quan trọng cho Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam tham khảo, áp dụng và triển khai trong thực tiễn nhằm đạt được các mục tiêu về cải cách, cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước; thu hút vốn, năng lực và công nghệ từ các nhà đầu tư quốc tế với chi phí phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững; tạo lập và nghiên cứu cơ chế thực hiện đầu tư chính phủ tại Việt Nam và khuyến khích sự hợp tác ngày càng sâu rộng với các quỹ đầu tư trên thế giới.