Sẵn sàng giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán giảm, bên mua chủ động hấp thụ lực cung, không ít nhóm cổ phiếu có tín hiệu bứt phá khỏi mẫu hình tích lũy...
Sẵn sàng giải ngân

Bối cảnh liên thị trường: Fed và ECB tăng lãi suất

Tuần qua, 2 ngân hàng trung ương lớn là Fed (Mỹ) và ECB (EU) đã đưa ra quyết định chính sách tiền tệ của mình, tiếp tục tiến trình kiềm chế lạm phát. Với xu hướng CPI giảm như kế hoạch, Fed tăng lãi suất thêm 0,5% như dự kiến. Mức trần lãi suất được dự phóng giữ nguyên mốc 5% và Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh, sẽ giữ ở mức đó xuyên suốt năm 2023. Do không có những bất ngờ mang tính tiêu cực từ Fed, chỉ số USD (DXY) tiếp tục giảm.

Cũng tăng lãi suất 0,5%, nhưng việc ECB mạnh tay hơn trong chính sách tiền tệ nằm ngoài dự tính của thị trường. Theo Chủ tịch ECB Christine Lagarde, cơ quan này sẽ không đổi hướng, không giảm tốc, giữ mức lãi suất cao trong thời gian dài, nhiều khả năng tăng lãi suất 0,5% trong 2 cuộc họp tới (trái ngược với chính sách xem xét dữ liệu mỗi cuộc họp trước khi ra quyết định như nhiều nhà phân tích dự đoán).

Các nhà phân tích cho rằng, để đạt mục đích giảm lạm phát, ECB có thể chấp nhận một cuộc suy thoái kinh tế xảy ra. Với khủng hoảng năng lượng và lãi suất cao, châu Âu có nguy cơ rơi vào suy thoái nặng nề trong năm 2023 (suy thoái kinh tế gần như luôn giúp dập tắt lạm phát).

VN-Index: Nến “rút chân”

Chỉ số đóng cửa cuối tuần qua với mẫu nến Pinbar tại 1.052,5 điểm, tăng 0,06% so với cuối tuần trước đó. Mẫu nến “rút chân” kèm động lượng thanh khoản suy giảm thể hiện áp lực bán yếu đi. Bên mua chủ động hấp thụ lực cung khi điểm số điều chỉnh về đường trung bình động 10 ngày (quanh 1.030 điểm), dẫn đến kỳ vọng vận động cân bằng và hồi phục trong tuần mới. Không ít nhóm cổ phiếu cho tín hiệu bứt phá mẫu hình tích lũy như ngân hàng (VPB, MBB, HDB), chứng khoán (VCI, SHS), bất động sản (HDG, IJC, SZC). Khối ngoại vẫn mua ròng, nhưng cường độ giảm dần. Bên cạnh đó, chỉ báo RSI(W) điều chỉnh đồng pha với thị trường, cho tín hiệu tích lũy lành mạnh.

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Diễn biến chỉ số VN-Index.

VN-Index đang có kháng cự tại RSI 50% mà nhịp tăng trong tháng 9 không thể vượt qua, tương đương 1.100 - 1.130 điểm. Trong trường hợp bứt phá thành công, biên độ tăng giá sẽ rõ ràng hơn, với mục tiêu giá cao hơn.

Diễn biến trong tuần qua không có biểu hiện bán tiêu cực từ nhóm ngành nào, đa phần là trạng thái tích lũy cân bằng và dòng tiền lan tỏa từ nhóm bluechip sang nhóm vốn hóa trung bình. Đánh giá thị trường tiếp tục bám theo diễn biến trung hạn trước đó, với dự báo hồi phục mục tiêu tại 1.130 điểm, chúng tôi khuyến nghị chiến lược giao dịch: sẵn sàng giải ngân khi cổ phiếu xác nhận mẫu hình bứt phá (breakout) xu hướng đáng tin cậy, hoặc giải ngân khi chỉ số điều chỉnh tại nền hỗ trợ 1.030 điểm.

Nhóm ngành đáng chú ý: Cập nhật ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước đã nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ các ngân hàng thương mại giải quyết tình trạng “khát vốn” của doanh nghiệp trong giai đoạn cuối năm. Trong bối cảnh thanh khoản hạn hẹp, việc này vô hình trung gây áp lực huy động với phần lớn các ngân hàng, nhất là khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã “tuýt còi” về cuộc đua tăng lãi suất huy động, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước liên tục chào thầu khoản vay với kỳ hạn lên tới 91 ngày, kỳ vọng áp lực thanh khoản cũng như lãi suất liên ngân hàng trong tầm kiểm soát. Động thái này trên thị trường mở hướng tới ổn định vấn đề thanh khoản trong trung hạn, ít nhất qua thời điểm Tết Nguyên đán 2023.

Dư địa để hỗ trợ thanh khoản dựa trên 3 yếu tố cơ bản: một là, rủi ro lạm phát được kiểm soát - lạm phát trung bình 11 tháng chỉ là 3,02%; hai là, kiểm soát chặt đầu ra tín dụng, hỗ trợ vốn trong sản xuất - kinh doanh; ba là, áp lực tỷ giá hạ nhiệt, tỷ giá USD/VND giảm mạnh từ 25.000VND về 23.500VND trong 20 ngày gần nhất.

Trên biểu đồ kỹ thuật, nhóm ngành ngân hàng thể hiện sức mạnh dẫn dắt cho đà hồi phục kéo dài của chỉ số chung. Chỉ số ngành ngân hàng bật tăng 25% kể từ vùng đáy, tiệm cận đường xu hướng kéo dài từ đỉnh tháng 2/2022.

Rủi ro nhóm này đến từ việc đánh giá lại rủi ro nợ xấu trong quý IV/2022 và biên lợi nhuận ròng thu hẹp. Mặc dù vậy, hoạt động kinh doanh ổn định là động lực tăng trưởng chính. Một số cổ phiếu ngân hàng đáng chú ý là VCB, ACB, CTG.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty cổ phần Chứng khoán DSC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục