So với cuộc Tổng điều tra dân số và nhà năm 2009, cơ cấu dân số và lao động Việt Nam thay đổi thế nào? Chất lượng nguồn nhân lực có sự cải thiện ra sao, thưa ông?
So với năm 2009, quy mô dân số nước ta tăng thêm 10,4 triệu người. Tốc độ tăng dân số giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 10 năm trước đó (1,18%/năm) và thấp rất xa so với 3 - 4 thập kỷ trước (trên dưới 3%/năm). Đây cũng là tốc độ tăng thuộc loại thấp so với nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới.
Các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao công tác dân số của Việt Nam. Việt Nam không chỉ giảm được tỷ lệ sinh, mà chất lượng dân số được cải thiện đáng kể trong 10 năm qua, đó là chiều cao, cân nặng được cải thiện; tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm; tỷ lệ người biết đọc, biết viết rất cao; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, tuổi thọ được nâng cao…
Tốc độ tăng dân số chậm lại đã góp phần làm tăng thu nhập tính theo đầu người, cải thiện cuộc sống người dân… Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Giải quyết vấn đề này thế nào?
Để giải quyết bài toán già hóa dân số, như rất nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt, Nghị quyết 21-NQ/TW đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2030 phải duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người, tuổi thọ bình quân đạt 75 năm, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.
Với tốc độ tăng dân số như hiện nay, khi nào Việt Nam qua giai đoạn “dân số vàng”? Trong thời kỳ vẫn còn “dân số vàng”, theo ông, cần làm gì để tận dụng cơ hội này?
“Cơ cấu dân số vàng” (dân số từ 15 đến 64 tuổi chiếm tỷ trọng cao trong tổng số người dân) của Việt Nam có đặc điểm là diễn ra trong điều kiện già hóa dân số diễn ra sớm và rất nhanh so với nhiều nước trên thế giới. Hiện chưa có tính toán xem bao nhiêu năm nữa, Việt Nam kết thúc giai đoạn “dân số vàng”, nhưng nhiều dự báo cho rằng, chỉ khoảng 20 năm nữa, Việt Nam sẽ ra khỏi giai đoạn dân số vàng và bước vào giai đoạn già hóa dân số.
Dân số là vấn đề tối hệ trọng đối với bất cứ quốc gia nào trên thế giới bởi không chỉ liên quan đến sự phát triển, mà còn liên quan đến tồn vong của cả dân tộc. Ý thức rất rõ điều này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019) với 8 mục tiêu đặt ra, trong đó có mục tiêu xử lý vấn đề già hóa dân số.
Cụ thể, phải thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; ít nhất 50% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi; khoảng 70% người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.
Muốn đạt được các mục tiêu đặt ra về công tác dân số trong tình hình mới theo Nghị quyết 21-NQ/TW, cần phải đầu tư thích đáng, nhưng vấn đề là phải có tiền, thưa ông?
Nghị quyết 21-NQ/TW đã khẳng định, dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài, vì vậy đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển.
Theo đó, Nhà nước phải ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác dân số, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao..., nhằm nâng cao chất lượng dân số, đời sống mọi mặt của nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Nghị quyết 21-NQ/TW cũng đặt ra nhiệm vụ đẩy mạnh xã hội hóa, có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, phân phối, cung cấp các phương tiện, dịch vụ trong lĩnh vực dân số…
Theo Quyết định 1679/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính phải rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, tư nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng, vận hành các cơ sở cung cấp dịch vụ dân số, chăm sóc người cao tuổi; cơ sở cung cấp các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, giải trí ngày càng cao, số lượng ngày càng đông của người cao tuổi; rà soát, bổ sung chính sách miễn giảm phí, lệ phí đối với người cao tuổi khi tham gia giao thông công cộng và các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn đầu tư cho các nội dung công tác dân số và phát triển do ngân sách nhà nước bảo đảm; đồng thời xây dựng chính sách, kế hoạch cụ thể huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 21-NQ/TW; tăng cường vận động các nguồn vốn ODA, vay ưu đãi, tài trợ nước ngoài để thực hiện nhanh, hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam và Các mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs 2030).