Sàn niêm yết vắng gương mặt mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáu tháng đầu năm, sàn HOSE chỉ đón 1 cổ phiếu niêm yết mới, trong khi sàn HNX khá khẩm hơn cũng chỉ có 3 “tân binh”.

“Số doanh nghiệp niêm yết mới trong nửa đầu năm 2023 thấp kỷ lục, chỉ đếm trên đầu ngón tay”, ông Phan Quốc Huỳnh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) nhận xét.

Tân binh duy nhất trên sàn HOSE là PVP của Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương. Còn ba gương mặt mới của sàn HNX là DTG của Công ty cổ phần Dược phẩm Tipharco, PPT của Công ty cổ phần Petro Times và KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV.

Trong khi hàng mới ít được bổ sung thì hàng cũ lại hao hụt mạnh hơn, khi có 22 cổ phiếu trên sàn HNX bị chuyển xuống giao dịch ở sàn UPCoM trong 6 tháng, do kinh doanh thua lỗ ba năm liên tục.

Hai năm đại dịch Covid-19 và sau đó là xung đột Nga - Ukraine đã khiến nền kinh tế toàn cầu suy yếu. Ảnh hưởng từ các yếu tố trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp vừa trải qua giai đoạn khó khăn chưa từng có trong lịch sử hoạt động. Vì thế, việc đáp ứng các tiêu chí về sức khỏe tài chính, hiệu quả kinh doanh để được lên sàn niêm yết trở nên khó khăn với nhiều doanh nghiệp.

Cụ thể, để lên sàn HOSE, doanh nghiệp phải có 2 năm liền trước năm đăng ký niêm yết có lãi; lợi nhuận của Công ty tại thời điểm gần nhất từ thời điểm đăng ký niêm yết đạt ít nhất trên 5% số vốn. Ngoài ra, Công ty không có nợ quá hạn trên 1 năm; không có lỗ lũy kế tính tới thời điểm niêm yết.

Trong khi với sàn HNX, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện: năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tại thời điểm gần nhất tính tới thời điểm đăng ký niêm yết đạt tối thiểu 5%; không có nợ quá hạn trên 1 năm; không có lỗ lũy kế tại thời điểm đăng ký niêm yết.

Theo ông Dương Quang Trung, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán VISC, bối cảnh thị trường chứng khoán hiện tại và giai đoạn cuối năm đang rất thuận lợi cho việc lên sàn của các doanh nghiệp để đón các con sóng phục hồi trong thời gian tới.

Theo ghi nhận của ông Trung, hiện đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất có quy mô tầm trung lên kế hoạch đưa cổ phiếu lên niêm yết. Khát vọng lên niêm yết của doanh nghiệp hiện tại là có, nhưng theo ông Trung, để có thể niêm yết thành công, doanh nghiệp cần từ 1 - 3 năm chuẩn bị.

Việc ít được bổ sung hàng hóa mới khiến nhiều năm qua hàng hóa trên thị trường kém đa dạng và đó cũng là một trong những lý do hạn chế thu hút dòng vốn ngoại, khi những cổ phiếu tốt đã cạn room.

Nhìn nhận tư vấn niêm yết là một khâu quan trọng trong quá trình “lên đời” cho các doanh nghiệp thành công ty đại chúng, bà Hoàng Hải Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VASB cho rằng, các công ty chứng khoán có nhiệm vụ tương đối truyền thống là tư vấn niêm yết.

Nhiệm vụ này đã được luật hoá, đó là hồ sơ niêm yết phải thông qua các công ty chứng khoán trước khi nộp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như các cơ quan quản lý khác. Tuy nhiên, cả doanh nghiệp cũng như công ty chứng khoán vẫn đang hiểu vai trò của công ty chứng khoán là làm hồ sơ nhiều hơn là quá trình tư vấn niêm yết.

“Tình hình tài chính không đáp ứng là nguyên nhân chính dẫn tới việc hồ sơ của các doanh nghiệp bị trả lại. Theo thống kê, có tới 70% số lượng hồ sơ bị trả lại là do không đáp ứng đủ các yêu cầu này”, bà Hải Anh cho biết.

Nhìn ở khía cạnh tích cực hơn, con số hồ sơ đăng ký niêm yết bị trả lại do không đáp ứng yêu cầu về tình hình tài chính cũng cho thấy cơ quan quản lý đang chặt chẽ hơn trong công tác rà soát, chấp thuận niêm yết. Như nhận xét của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, “thị trường chứng khoán hiện tại tương đối chặt chẽ về các quy định quản lý, giám sát”.

Trong định hướng phát triển thị trường chứng khoán, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thị trường chứng khoán theo hướng chất lượng, bền vững, Việt Nam kiên trì thực hiện tái cấu trúc thị trường dựa trên 4 trụ cột chính: cơ sở hàng hóa; tổ chức thị trường; cơ sở nhà đầu tư và tổ chức kinh doanh chứng khoán. Để tái cấu trúc cơ sở hàng hóa, bên cạnh việc thanh lọc cổ phiếu “rác”, việc siết chặt khâu phê duyệt niêm yết mới là giải pháp rất cần thiết để nâng cao chất lượng hàng hóa trên sàn.

Trong khoảng tháng 7 – 8/2023, thị trường chuẩn bị đón thêm 2 mã cổ phiếu niêm yết mới: ADP của Sơn Á Đông và SIP của Đầu tư Sài Gòn VRG.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ