Sản lượng xi măng, clinker xuất khẩu tăng 30 lần trong 10 năm

0:00 / 0:00
0:00
Sản lượng xi măng, clinker xuất khẩu đã tăng gấp 30 lần từ 2010-2019, đóng góp tới 32% tổng tiêu thụ toàn ngành và giúp Việt Nam lọt TOP những quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu.
Theo FPTS, hoạt động xuất khẩu xi măng, ckinker của nước ta mở rộng nhanh nhưng mang lại hiệu quả thấp. Theo FPTS, hoạt động xuất khẩu xi măng, ckinker của nước ta mở rộng nhanh nhưng mang lại hiệu quả thấp.

Hoạt động xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam được mở rộng nhanh trong 1 thập kỷ trở lại đây, nhưng hiệu quả xuất khẩu lại không tỷ lệ thuận với sản lượng ngày càng gia tăng. Báo cáo mới nhất về ngành xi măng Việt Nam do Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS) nêu.

Cụ thể, trong 10 năm gần nhất (2010 – 2019), sản lượng xi măng, clinker xuất khẩu đã tăng gấp 30 lần, đóng góp tới 32% tổng tiêu thụ toàn ngành và giúp Việt Nam dẫn đầu thế giới về xuất khẩu xi măng.

Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động xuất khẩu không đi liền với mức tăng trưởng về sản lượng khi các các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu clinker (dạng sản phẩm thô của xi măng) có giá trị rất thấp.

Đến cuối năm 2019, tổng công suất của các nhà máy xi măng Việt Nam đạt 103 triệu tấn/năm, tiêu thụ đạt 98 triệu tấn và công suất huy động toàn ngành ở mức 95%. Trong đó, tiêu thụ trong nước đạt 68 triệu tấn, chiếm 68% tổng tiêu thụ toàn ngành và xuất khẩu xi măng đóng góp 31 triệu tấn, chiếm 32% tổng tiêu thụ toàn ngành.

Mức giá xuất khẩu (FOB) trung bình tại cảng của Việt Nam hiện tại chỉ đạt gần 38,5 USD/tấn (thấp hơn tới 10% so với giá bán xi măng trong nước) do các doanh nghiệp liên tục phải giảm mạnh giá thành để cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Báo cáo phân tích, việc phải giảm mạnh giá xuất khẩu là do tác động của các yếu tố, gồm: Chi phí vận chuyển cao vì phải vận chuyển với khoảng cách xa; Khối lượng sản phẩm tương đối nhỏ so với quy mô các thị trường xuất khẩu chính như Trung Quốc, Philippines, Bangladesh nên khó tiếp cận tới các kênh phân phối và chỉ có thể bán nhanh sản phẩm thô cho các nhà máy trong khu vực. Ngoài ra, xi măng Việt Nam còn bị nhiều nước áp thuế phòng vệ thương mại trong thời gian qua.

Sản lượng xuất khẩu tăng đã giúp các doanh nghiệp xi măng trong nước tránh được cảnh hàng tồn, có dòng tiền để trang trải các hoạt động tài chính, sản xuất kinh doanh, nhưng ngoại tệ thu về lại không tương xứng. Do hiệu quả thấp, chính phủ đã đặt ra hạn mức xuất khẩu trong từng giai đoạn và không khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu trong các năm tới.

Theo báo cáo sản xuất kinh doanh tháng 9 và 9 tháng 2020 của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), doanh nghiệp nhà nước đang dẫn dắt thị trường xi măng với sản lượng hơn 30 triệu tấn, 9 tháng qua, sản xuất kinh doanh diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch. Do đại dịch các cảng biển tại một số nước trên thế giới bị phong tỏa và chỉ được mở lại vào cuối tháng 4/2020 đã ảnh hưởng rất lớn tới thị trường xuất khẩu xi măng, ckinker.

Vicem cho hay, giá xuất khẩu clinker hiện đã giảm sâu so với 2019 (từ 39 USD xuống còn 29,5 USD).

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương, 9 tháng 2020, ngành xi măng đã xuất khẩu trên 28 triệu tấn sản phẩm, thu về 1,034 tỷ USD, trong khi cùng kỳ, sản lượng xuất khẩu chỉ có 23,240 triệu tấn, trị giá 973 triệu USD.

So với cùng kỳ 2019, sản lượng xi măng, ckinker xuất khẩu đã tăng gần 21%, và tăng 6,2% về trị giá. Nhưng mức tăng trưởng về trị giá ở đây là do tăng mạnh về sản lượng xuất khẩu chứ không phải do giá bán tăng.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục