Sàn giao dịch vàng tại CTCK: Cấm vẫn mở!

Thời gian qua, tận dụng điều kiện cơ sở vật chất và nhân sự sẵn có, nhiều CTCK liên kết với các DN mở sàn giao dịch vàng. Đã có hơn 10 sàn giao dịch vàng được thành lập, các điểm giao dịch được mở rộng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, với sự tham gia của hơn 40 CTCK (trong tổng số 102 CTCK được thành lập). Việc CTCK liên kết mở sàn vàng hoặc làm đại lý nhận lệnh không tốn nhiều chi phí đầu tư, mà thu hút được nhiều nhà đầu tư đến giao dịch, đã góp phần giúp công ty tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực hoạt động chính là chứng khoán.
Nhiều CTCK liên kết với các DN mở sàn giao dịch vàng. Nhiều CTCK liên kết với các DN mở sàn giao dịch vàng.

Vấn đề đặt ra là, theo các quy định hiện hành, vẫn chưa xác định rõ ràng cơ quan nào có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động của sàn giao dịch vàng. Từ giữa năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã khảo sát Sàn giao dịch vàng ACB và thành lập Ban soạn thảo quy chế sàn giao dịch vàng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định nào về tổ chức, hoạt động giao dịch vàng được ban hành.

Về quản lý hoạt động của các CTCK tham gia kinh doanh sàn giao dịch vàng, ngày 20/3/2009, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có Công văn số 405/UBCK-QLKD yêu cầu các CTCK báo cáo về việc mở sàn giao dịch vàng trước ngày 27/3/2009. Các CTCK chưa mở sàn vàng thì sẽ không được mở sàn giao dịch vàng cho đến khi có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Sau ngày 20/3/2009, trên thực tế vẫn thấy một số CTCK tiếp tục khai trương hoạt động này, như Công ty TNHH Ngân hàng Công thương khai trương đại lý nhận lệnh giao dịch vàng vào ngày 23/3/2009 và chưa thấy UBCK có ý kiến!

Hiện cũng chưa thấy thông tin nào về việc CTCK thực hiện đăng ký ngành, nghề kinh doanh vàng trong giấy đăng ký kinh doanh. Như vậy, việc các CTCK không đăng ký kinh doanh ngành, nghề kinh doanh vàng, nhưng tổ chức hoạt động mở sàn vàng hoặc làm đại lý nhận lệnh giao dịch vàng có thể coi là vi phạm quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh hay không? Theo Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/1/2008 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại thì phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành, nghề kinh doanh ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy một CTCK nào bị xử phạt về hành vi vi phạm này.

Một vấn đề khác là trước khi Luật Chứng khoán có hiệu lực, CTCK đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau đó xin giấy phép hoạt động nghiệp vụ chứng khoán của UBCK. Sau khi Luật Chứng khoán có hiệu lực, UBCK thực hiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho CTCK (giấy phép này đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh). Như vậy, nếu CTCK mà UBCK cấp giấy phép muốn bổ sung ngành nghề kinh doanh khác (chẳng hạn kinh doanh vàng) thì giải quyết như thế nào, vì những CTCK này không đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Để thống nhất trong việc quản lý nhà nước về DN, đảm bảo quyền lợi của DN được đăng ký và kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm, vướng mắc này cần sớm được tháo gỡ.

Trần Đức Phượng, Số 49/1/7 Lương Thế Vinh, Quận Tân Phú, TP. HCM
Trần Đức Phượng, Số 49/1/7 Lương Thế Vinh, Quận Tân Phú, TP. HCM