70% là giao dịch ký quỹ
Là nước có dự trữ ngoại tệ đứng hàng thứ 2 thế giới, Trung Quốc cũng là nước sản xuất vàng lớn với sản lượng bình quân 300 tấn/năm. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn phải nhập vàng bình quân 18 - 20 tấn/năm và không xuất khẩu. SGE chính thức khai trương vào năm 2002 và là sàn giao dịch vàng duy nhất tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. SGE được tổ chức thành 2 thị trường: giao dịch vàng qua tài khoản và giao dịch vàng vật chất.
Khi mới bắt đầu thành lập, SGE được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC) hỗ trợ từ mặt bằng kinh doanh đến vốn lưu động được cho vay, khoảng 60 triệu nhân dân tệ. Từ khi thành lập đến năm 2007, phí giao dịch được thu là 0,06% và từ năm 2008 là 0,04%. Bốn ngân hàng quốc doanh được lựa chọn là ngân hàng thanh toán và không nhận lưu ký tiền, vàng.
SGE tổ chức 41 địa điểm tại 31 thành phố để làm nhiệm vụ giao - nhận, đảm bảo tiêu chuẩn thanh toán T+3 (trong vòng 3 ngày sau giao dịch). Về thuế, SGE chịu trách nhiệm thu thuế giá trị gia tăng (VAT) là 17% cho các giao dịch vàng tiêu chuẩn, chủ yếu trên người bán. Tuy nhiên, giao dịch vàng nguyên liệu của người sản xuất bán cho SGE lại được miễn thuế VAT và người mua qua SGE được giảm 70% thuế VAT. Điều đáng chú ý, SGE là tổ chức phi lợi nhuận, điều hành hoạt động bởi HĐQT gồm 13 thành viên, trong đó có 2 thành viên do PBC trực tiếp giới thiệu, Chủ tịch HĐQT được bầu bởi 156 thành viên.
Hiện nay, các loại hàng hóa kinh doanh tại SGE gồm có vàng, bạc, bạch kim. Khối lượng giao dịch vàng dự kiến vào cuối năm 2008 đạt khoảng 3.000 tấn. Hiện có 2 loại sản phẩm đang giao dịch tại SGE là giao ngay và kỳ hạn. SGE dự định tổ chức giao dịch vàng bằng các công cụ phái sinh (chủ yếu là hợp đồng tương lai), nếu được chấp thuận sẽ quản lý bởi UBCK Trung Quốc. Việc phát triển hoạt động của SGE nhằm đảm bảo thỏa mãn cung cầu cho các giao dịch vàng giao ngay tại Trung Quốc. Trước đây, giao dịch vàng giao ngay chiếm gần như tuyệt đối và phải ký quỹ 100% nhưng từ năm 2007 trở lại đây, giao dịch kỳ hạn có ký quỹ 10%, chiếm khoảng 70% tổng giá trị giao dịch. Hiện nay, SGE là sàn giao dịch vàng duy nhất, những thành viên khác (chủ yếu là các tổ chức tài chính - ngân hàng) có sàn giao dịch thứ cấp, nhưng phải chuyển lệnh 100% về sàn trung tâm (không có hạch toán bù trừ tại các sàn thứ cấp). Tại Trung Quốc, việc lập 2 sàn giao dịch vàng vật chất và sàn giao dịch vàng trên tài khoản trong cùng hệ thống của SGE là khó khăn cho NĐT và các cơ quan quản lý nhà nước. Trung Quốc đang nỗ lực để hợp nhất 2 sàn này.
Xây dựng theo hướng nào?
Sau khi khảo sát SGE, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VGAT, Trưởng đoàn khảo sát cho biết, xuất phát từ yêu cầu phát triển thị trường vàng tại Việt Nam, trên cơ sở pháp luật hiện hành và khi được sự thống nhất của NHNN, VGTA sẽ lập ngay đề án "Thành lập sàn giao dịch vàng tại Việt Nam", làm cơ sở cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc, kinh nghiệm về 2 sàn có quyết định lớn đến kinh doanh vàng là Comex (thuộc sàn chứng khoán NewYork, Mỹ) và Tocom (Nhật Bản) sẽ được tìm hiểu, thu thập thông tin trong quá trình xây dựng sàn giao dịch vàng tại Việt Nam.
Theo một thành viên trong đoàn khảo sát, thực tiễn cho thấy, cần tổ chức thống nhất một sàn giao dịch vàng cho cả giao dịch vàng vật chất và giao dịch vàng qua sàn. Tránh như Trung Quốc hiện nay, rất khó quản lý về mặt nhà nước và khi hợp nhất cũng không đơn giản. Mặt khác, cần xây dựng một sàn giao dịch vàng tập trung với công nghệ hiện đại, mọi lệnh mua - bán cần được nhập trực tiếp vào hệ thống, chứ không phải qua bất cứ trung tâm nào.
"Nguyên tắc xây dựng sàn này cần phải tuân thủ, đó là khách quan, minh bạch, không vì lợi ích riêng của bất cứ NĐT hay tổ chức nào. Tạo sân chơi bình đẳng là mục tiêu lớn nhất của cơ quan quản lý", vị này cho biết. Để hạn chế rủi ro thì nên học kinh nghiệm của SGE là yêu cầu NĐT ký quỹ 10%, thay vì 7% như Sàn giao dịch vàng Sài Gòn đang áp dụng.
Trong khi chờ đợi NHNN và VAGT thống nhất về cách thức xây dựng sàn vàng sao cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, trước mắt sàn giao dịch vàng vẫn là nơi tập hợp của nhiều DN kinh doanh vàng tiêu biểu trong cả nước, các nhà sản xuất vàng nữ trang, ngân hàng TMCP có kinh doanh vàng.