Sàn giao dịch hàng hóa: Sân chơi mới cho NĐT

(ĐTCK-online) Ngày 11/3 tới đây, trong chương trình Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3, Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) sẽ chính thức đưa vào giao dịch sản phẩm cà phê giao sau (giao dịch kỳ hạn). Đây hứa hẹn là sân chơi mới cho nhiều NĐT tài chính…
Lâu nay, các nhà sản xuất cà phê luôn gặp cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Ai có thể tham gia?

Về nguyên tắc, sàn giao dịch cà phê kỳ hạn có nhiều nét tương đồng với sàn vàng và chứng khoán phái sinh. Đối tượng tham gia có thể là các nhóm bảo hộ rủi ro hoặc các NĐT tài chính thuần túy. Chẳng hạn, tại Việt Nam, các nhà sản xuất cà phê luôn đối mặt với rủi ro được mùa thì giá thấp, mất mùa thì giá cao. Để "bảo hiểm" giá bán ngay từ khi sản xuất, một nhóm nhà sản xuất nhỏ sẽ liên kết lại chào bán trước một lô lớn cà phê (được giao vào thời điểm thu hoạch). Nếu gặp người mua chấp nhận mức giá này, coi như nhà sản xuất đã yên tâm về mức giá bán kỳ vọng. Bên mua chấp nhận ký hợp đồng vì có nhận định ngược chiều với nhà sản xuất. Họ kỳ vọng tại thời điểm giao hàng, giá cà phê thực tế sẽ cao hơn giá đã ký hợp đồng mua.

Tuy nhiên, cả người bán và người mua đều có thể không phải là nhà sản xuất hay phân phối cà phê thực sự. Họ là các NĐT tài chính thuần túy tham gia thị trường này với mục đích đầu cơ, hưởng chênh lệch giá. Chẳng hạn, mức giá cà phê Robusta hiện tại là 2.000 USD/tấn, NĐT A dự tính 3 tháng tới, giá cà phê có thể tăng lên 2.100 USD/tấn. Vì vậy, anh ta chào bán một hợp đồng giao sau ở mức giá trên. NĐT B nhận định giá cà phê có thể tăng lên 2.300 USD/tấn ở thời điểm trên, nên chấp nhận mua hợp đồng này. Tất nhiên, như giao dịch vàng, ngay khi ký hợp đồng qua sàn giao dịch, hai bên mua bán đều phải đóng khoản thế chân (ký quỹ). Căn cứ vào giá hàng hóa biến động hàng ngày, tài khoản hai NĐT được "tạm tính" tăng lên hay giảm đi. Giống sàn vàng, nếu mức giảm xuống quá số tiền ký quỹ, NĐT được yêu cầu nộp thêm tiền.

 

Điểm khác biệt

Tuy nhiên, sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn có điểm khác biệt rất lớn với sàn vàng. Đó là sự chuyển giao hàng hóa thực vào kỳ hạn đã ký. Về thủ tục, trước thời điểm giao hàng (thường từ 5 - 10 ngày), đại diện của sàn giao dịch hàng hóa sẽ gọi điện đến người bán và người mua xem có khả năng thực hiện hợp đồng thực sự hay không? Nếu người mua và người bán đều đồng ý, bên bán có một vài ngày để chuyển hàng vào kho của sàn giao dịch. Hàng hóa này được trung tâm kiểm định, đánh giá của sàn đánh giá đảm bảo theo chất lượng trong hợp đồng và được chuyển tới người mua sau khi nộp đủ tiền. Bên bán sẽ được thanh toán số tiền tương ứng.

Tuy nhiên, có thể xảy ra trường hợp một trong hai bên không có khả năng thực hiện hợp đồng, hoặc cả hai phía đều là NĐT thuần túy. Trường hợp này, vai trò trung gian của "chủ sàn" được phát huy. Trong trường hợp thứ nhất, nếu bên bán không thể giao hàng, mức ký quỹ của NĐT này sẽ được yêu cầu tăng thêm. "Chủ sàn" mua hàng hóa trên thị trường và giao lại cho bên mua. Các chi phí phát sinh liên quan sẽ trừ vào khoản ký quỹ của bên bán. Ngược lại, nếu bên mua không muốn nhận hàng, khoản tiền ký quỹ cũng tăng lên. "Chủ sàn" sẽ trả tiền và nhận hàng từ bên bán. Sau đó, hàng hóa được bán ra thị trường, các chi phí phát sinh cũng khấu trừ vào tài khoản bên mua.

Sức hấp dẫn của sàn giao dịch hàng hóa và cũng là nhân tố tạo thanh khoản cho thị trường đến từ quy trình xử lý hợp đồng của các NĐT tài chính thuần túy. Không có hàng để giao và cũng không có nhu cầu nhận hàng, thông thường không chờ đến thời điểm đại diện sàn gọi điện, các NĐT này sẽ đàm phán lại hợp đồng (thời gian và mức giá). Chẳng hạn, một hợp đồng hết hạn trong hai tuần tới có thể đàm phán kéo dài lên ba tháng và hơn nữa…. Thực tế, hàng hóa được giao thực sự chỉ chiếm phần nhỏ trong các hợp đồng đã ký tại sàn giao dịch hàng hóa.

 

Mới chỉ khởi đầu

Hiện tại, ngoài BCEC còn có Sàn giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom - STE) và Sàn giao dịch hàng hóa Triệu Phong. BCEC đăng ký sản phẩm giao dịch cà phê Robusta của Việt Nam, sắp tới có thể mở rộng. Hai sàn còn lại đăng ký giao ngay và giao sau khá nhiều mặt hàng: thép, đường, điều, cao su… Đại diện BCEC cho biết, hiện tại, các sàn giao dịch hàng hóa trong nước đều phát triển khá thận trọng và thăm dò. Nguyên nhân do hành lang pháp lý cho các sàn giao dịch hàng hóa giao sau chưa đầy đủ và chặt chẽ. Đồng thời, tập quán kinh doanh hàng hóa giao sau còn khá xa lạ và mới mẻ với đa số NĐT trong nước.         

Ngọc Giang
Ngọc Giang

Tin cùng chuyên mục