Sàn giao dịch cà phê kỳ hạn: Trầm lắng do đâu?

(ĐTCK-online) Mở cửa từ ngày 15/3, sàn giao dịch cà phê kỳ hạn của Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) chỉ đạt KLGD 1.368 tấn với giá trị gần 65 tỷ đồng khi tháng 3 khép lại. Con số này khá khiêm tốn nếu nhìn vào mức độ hấp dẫn khi NĐT được phép sử dụng đòn bẩy (tỷ lệ ký quỹ 15%). Sự trầm lắng này xuất phát từ nhiều lý do.

NĐT lớn nội địa: Trở ngại về thanh khoản!

Loại trừ các NĐT nhỏ tò mò muốn thử nghiệm một sân chơi mới, có thể thấy, sau 3 tuần hoạt động, sàn giao dịch cà phê kỳ hạn của BCEC chưa thực sự thu hút được các NĐT lớn trong nước. Điều này là đáng quan tâm vì sàn giao dịch cà phê kỳ hạn nội địa có các ưu thế lớn so với các sàn quốc tế như Singapore hay London: Hợp đồng được thể hiện bằng tiếng Việt (tránh rủi ro pháp lý khi không hiểu luật chơi); đơn vị giao dịch là VND (tránh rủi ro về biến động tỷ giá)…

Sự thiếu vắng của các NĐT lớn có thể là một trong các lý do khiến giá trị giao dịch cà phê kỳ hạn chỉ đạt mức thấp. Tại sao NĐT vẫn ưa thích sân chơi quốc tế hơn sân nhà? Nhiều NĐT giải thích lý do quan trọng khiến họ kém mặn mà là thanh khoản của sàn quá thấp. Kết quả giao dịch cho thấy điểm yếu lớn nhất của sàn nội: không phải khi muốn mua là có thể mua được ngay và không phải muốn bán là có thể thanh lý hợp đồng. Mỗi phiên, trung bình cả sàn chỉ có vài chục lệnh giao dịch, thậm chí nhiều mã hàng không có lệnh mua lẫn lệnh bán. Các NĐT có thể bỏ chút ít vốn vào để giao dịch thử thì ổn, nhưng đầu tư ở quy mô lớn hơn có thể không tìm được người mua. Nguy cơ NĐT tài chính có thể trở thành nhà giao dịch cà phê thật sự là có thật.

Một trở ngại khác với phần đông NĐT là hiểu biết về sân chơi mới còn hạn chế. Không hiếm NĐT vẫn đánh đồng hợp đồng giao ngay với hợp đồng kỳ hạn, nên lo ngại phải giải quyết hàng hóa thật. Bên cạnh đó, theo một số NĐT, mạng lưới phân phối tiếp thị sản phẩm của BCEC khá hạn chế nên công tác tuyên truyền quảng bá cho sàn chưa đúng mức.

 

BCEC: Phát triển chậm để chắc

Ông Đào Trung Kiên, Cố vấn của BCEC giải thích, vì sàn giao dịch cà phê kỳ hạn khá mới mẻ nên về định hướng, Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột dự kiến chỉ mở rộng từ từ. Điều này là cần thiết với một sân chơi mới mẻ có sử dụng đòn bẩy tài chính để không rơi vào tình trạng phát triển quá nóng. Ông Kiên dẫn chứng trường hợp sàn giao dịch hàng hóa tại Trung Quốc. Thời cực thịnh, quốc gia này đã có vài chục sàn giao dịch hàng hóa cho phép NĐT giao dịch đủ các loại từ kim loại màu, năng lượng đến ngũ cốc. Tuy nhiên, do phát triển nhanh và thiếu quy hoạch dài hạn nên trào lưu này nhanh chóng lụi tàn, để lại hậu quả cho cả các chủ sàn và các NĐT tài chính non nớt. Hiện tại, tại quốc gia đông dân nhất hành tinh này, số sàn giao dịch hàng hóa chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Ông Kiên nói rằng, trong giai đoạn đầu, BCEC chưa đặt mục tiêu đẩy mạnh thu hút các NĐT bằng mọi giá, mà tập trung cho nhiệm vụ chính là tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho các NĐT, đặc biệt là nhóm NĐT tài chính. Khi đã có một lớp các NĐT hiểu biết nhất định về thị trường làm hạt nhân, BCEC mới tính đến chuyện mở rộng dần mạng lưới phân phối sản phẩm tới các CTCK.

 

Nhà nước: Cần hoàn thiện mô hình

Ông Lê Văn Thanh Long, Giám đốc Phát triển khách hàng của CTCK SME (thuộc SME Holing, có Sàn hàng hóa Triệu Phong) đánh giá, về lâu dài, để cải thiện thanh khoản cho sàn hàng hóa, công tác tuyên truyền cho các NĐT nội địa cần được tăng cường. Ông Long dự báo, khi sàn hàng hóa sôi động, nhiều NĐT tham gia rất dễ lâm vào tình trạng giao dịch một chiều như chứng khoán những năm 2000 - 2001 hay 2006 - 2007. Khi đó, TTCK nghiêng về một phía, lúc bên mua khi bên bán. NĐT phải đặt lệnh từ trước phiên giao dịch. Về điều này, sàn hàng hóa cần có các nhà tạo lập thị trường để giúp thanh khoản thông suốt. Ông Long cho rằng, Nhà nước nên cho phép các sàn hàng hóa kết nối với các sàn quốc tế. Ngõ ra này cho phép sàn luôn giữ được thanh khoản hai đầu: Nếu NĐT nội địa đặt quá nhiều lệnh mua thì một phần các lệnh này được chủ sàn trung chuyển ra các sàn quốc tế và ngược lại.

Ông Long nhận định, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp với nhiều mặt hàng mũi nhọn như cà phê, hạt tiêu, lúa gạo, cao su… Phát triển mô hình sàn hàng hóa là một bước tiến lớn giúp các nhà sản xuất nội địa bảo hộ giá sản phẩm ngay từ khâu sản xuất. Lợi ích này chỉ phát huy tối đa khi các sàn hàng hóa vận hành tốt, có thanh khoản cao với giao dịch sôi động từ các NĐT tài chính. Ông Long cho rằng, giai đoạn ban đầu khi NĐT trong nước còn đang non nớt, sự bảo vệ thị trường của Nhà nước khỏi giới đầu cơ quốc tế là cần thiết. Tuy nhiên, khi NĐT trong nước đã có kiến thức và trải qua cuộc diễn tập tâm lý thì Nhà nước nên khai thông đầu ra này để tạo thanh khoản, hấp dẫn hơn cho sân chơi này.

Ngọc Giang
Ngọc Giang

Tin cùng chuyên mục