“Sân chơi” thiếu trọng tài

(ĐTCK-online) Vào những thời điểm TTCK suy giảm mạnh, Báo ĐTCK nhận được phản ánh của không ít NĐT về việc thực thi các điều khoản không đúng hợp đồng, nhất là các hợp đồng cầm cố, hợp tác đầu tư giữa NĐT với CTCK và ngân hàng ứng vốn. Theo phản ánh của một NĐT tại Hà Nội mới đây, CTCK nơi NĐT này mở tài khoản đã bán chứng khoán cầm cố do giá giảm so với giá trị cầm cố. Tuy nhiên, mức giá đến ngưỡng giải chấp này lại không được ghi cụ thể trong hợp đồng. May là sau đó, CTCK đã tự nguyện mua trả lại chứng khoán cho NĐT. Tuy nhiên, không phải vụ việc nào cũng được giải quyết êm thấm với sự cộng tác của các bên như vậy.

Một trường hợp khác phức tạp hơn khi NĐT tên H. khiếu nại CTCK Q tại TP. HCM bán cổ phiếu cầm cố để thu hồi nợ cho ngân hàng trong khoảng thời gian mà NĐT này còn được quyền bổ sung tài sản đảm bảo. Ông H. cầm cố 6 mã cổ phiếu tại ngân hàng E để vay số tiền gần 100 triệu đồng. Ngày 4/6, do giá chứng khoán giảm, ngân hàng ra thông báo yêu cầu NĐT trong vòng 7 ngày phải bổ sung tài sản bảo đảm, nếu không, ngân hàng sẽ yêu cầu CTCK Q bán chứng khoán cầm cố để thu nợ. Tuy nhiên, trong 2 ngày 5 - 6/6, CTCK đã thực hiện việc bán ra một số mã chứng khoán của NĐT trên để thu hồi nợ cho ngân hàng. Theo giải thích của CTCK thì họ đã thực hiện đúng theo các điều khoản hợp đồng với ngân hàng, bởi ngân hàng đã gửi danh sách khách hàng thuộc diện giải chấp cho CTCK với yêu cầu bán cổ phiếu thu hồi nợ; CTCK sau đó cũng đã thông báo cho khách hàng biết để thực hiện nghĩa vụ của mình, nhưng NĐT đã không có động thái gì và CTCK đã bán ra chứng khoán theo hợp đồng với ngân hàng.

Vấn đề ở đây là trong mối quan hệ 3 bên: ngân hàng - CTCK và NĐT có một điểm bất nhất. Thời điểm ngân hàng yêu cầu CTCK bán cổ phiếu cầm cố của NĐT để thu hồi nợ khác với thời điểm ngân hàng cho phép NĐT được bổ sung tài sản đảm bảo cho khoản vay. Chính sự bất nhất này khiến cho mọi việc trở nên rắc rối, cả NĐT lẫn CTCK đều rơi vào tình trạng khó xử vì chẳng biết ai đúng, ai sai. Sự việc đẩy lên Thanh tra UBCK, nhưng cơ quan này cuối cùng cũng… đành yêu cầu các bên giải quyết bằng thương lượng hoặc đem ra tòa theo quy định tại hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán giữa CTCK và NĐT.

Đó chỉ là những câu chuyện nhỏ, nhưng cho thấy một vấn đề lớn. Khi thị trường "vui" thì mọi thứ đều suôn sẻ, nhưng khi thị trường "tẻ" thì khiếm khuyết bộc lộ ngày càng nhiều. Cái gốc của vấn đề là thiếu sự chặt chẽ về pháp lý giữa các bên cùng tham gia mối quan hệ liên quan đến tiền và chứng khoán. Sâu xa hơn là TTCK Việt Nam vẫn thiếu một bộ phận hướng dẫn pháp lý cho các thành viên thị trường, đặc biệt là thiếu tổ chức trọng tài có khả năng xử lý hiệu quả những tranh chấp phát sinh. Tranh chấp vẫn phát sinh hàng ngày, hàng giờ trên TTCK, trong khi nếu trông chờ vào tòa án thì đến bao giờ quyền và lợi ích của các bên mới được xử lý thỏa đáng? 8 năm qua, hình như chưa có một vụ việc tranh chấp nào trên TTCK được xử lý công khai tại tòa án!

Hiền Linh
Hiền Linh

Tin cùng chuyên mục