“Sân chơi bầu trời” của doanh nghiệp bảo hiểm đón nhận tân binh

(ĐTCK) Bảo hiểm vệ tinh và bảo hiểm hàng không là 2 dịch vụ bảo hiểm cao cấp, lâu nay đang do các “ông lớn” trong ngành chiếm lĩnh. Tuy nhiên, hiện tại, “sân chơi bầu trời” này đang chứng kiến những bước đi đầu tiên của các doanh nghiệp bảo hiểm mới gia nhập thị trường.
PVI đứng đầu về thị phần bảo hiểm hàng khônga PVI đứng đầu về thị phần bảo hiểm hàng khônga

Đón nhận tân binh

Sau khi hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng vào cuối năm 2016 để đáp ứng yêu cầu được triển khai sản phẩm bảo hiểm vệ tinh, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) vừa chính thức ra mắt sản phẩm “Bảo hiểm vệ tinh”.

Năm 2016, theo báo cáo ước số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, MIC đứng thứ 7 về doanh thu phí bảo hiểm gốc, là doanh nghiệp bảo hiểm cho các công trình trọng điểm quốc gia như đường tuần tra biên giới, đường Trường Sơn Đông, bên cạnh các dự án trung tâm thương mại, nhà ở, bệnh viện của Vingroup, Viettel, Tân Cảng...

“Theo lộ trình đạt mục tiêu tự sản xuất vệ tinh “Made in Vietnam” đến năm 2020, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đã triển khai một số dự án thiết kế và phát triển các vệ tinh quan sát trái đất. Xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường và yêu cầu của các đơn vị tại MIC, Công ty đã nghiên cứu và triển khai ban hành sản phẩm “Bảo hiểm vệ tinh”.

“Sân chơi bầu trời” của doanh nghiệp bảo hiểm đón nhận tân binh ảnh 1

Liên danh 3 nhà bảo hiểm PVI - Bảo Việt - MIC đã tiếp tục ký kết hợp đồng với Tổng công ty Trực thăng Việt Nam

Tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, sản phẩm bảo hiểm vệ tinh đã triển khai, tuy nhiên số lượng hợp đồng chưa nhiều vì số lượng hợp đồng căn cứ theo số lượng vệ tinh được phóng”, lãnh đạo MIC nói và cho biết thêm, tính đến nay, Việt Nam đã phóng vào vũ trụ 4 vệ tinh, bao gồm: Vinasat-1, Vinasat-2, F-1 và VNREDSat-1.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh rađa LOTUSat-1 vào năm 2019. Sau đó, năm 2022 sẽ phóng vệ tinh rađa LOTUSat-2. Do vậy, việc cung cấp sản phẩm “Bảo hiểm vệ tinh” sẽ là lợi thế cho MIC khi tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm cho vệ tinh tại Việt Nam và thế giới.

Việc triển khai sản phẩm này sẽ giúp đa dạng hóa các sản phẩm tại MIC, giúp khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn đối với dịch vụ bảo hiểm cao cấp.

Như vậy, với sự góp mặt của tân binh MIC, bảo hiểm vệ tinh không còn là “sân chơi” riêng của PTI và Bảo hiểm Bảo Việt.

Doanh nghiệp bảo hiểm quy mô nhỏ mới chỉ... đặt chân

Đối với bảo hiểm hàng không, mới đây, liên danh 3 nhà bảo hiểm PVI - Bảo Việt - MIC đã tiếp tục ký kết hợp đồng với Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (VNH). Với mức trách nhiệm được bảo hiểm trên 150 triệu USD cho mỗi sự cố (rủi ro thân máy bay bao gồm phụ tùng, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm rủi ro chiến tranh và các rủi ro tương tự, bảo hiểm tai nạn thành viên tổ bay của VNH), hợp đồng bảo hiểm sẽ cung cấp dịch vụ cho đội bay 27 chiếc (dự kiến tăng thêm 3 chiếc trong kỳ), 147 phi công và kỹ thuật viên với tổng giá trị bảo hiểm hơn 163 triệu USD.

Đây là năm thứ 6 liên tiếp MIC cung cấp dịch vụ cho VNH, đồng thời là năm thứ 9 liên tiếp đối với Bảo hiểm PVI và Bảo Việt.

Theo báo cáo nhanh số liệu bảo hiểm phi nhân thọ năm 2016 từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu từ mảng bảo hiểm hàng không ước đạt 724,6 tỷ đồng. Trong đó, Bảo hiểm PVI đứng đầu thị trường, với doanh thu đạt khoảng 360,4 tỷ đồng, chiếm gần 50% thị phần mảng này. Đứng thứ hai là Bảo hiểm Bảo Việt với doanh thu khoảng 128,361 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp bảo hiểm khác chia nhau “miếng bánh” còn lại: Bảo hiểm Hàng Không (87,4 tỷ đồng), MIC (62,197 tỷ đồng), Toàn Cầu (19,1 tỷ đồng), PTI (13,3 tỷ đồng), BIC (201 triệu đồng).

VNH - nhà khai thác dịch vụ bay trực thăng hàng đầu Đông Nam Á cho biết, Công ty không quá đặt nặng việc lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm lớn hay bé tham gia đồng cung cấp dịch vụ, bởi trên thực tế, theo quy định của Bộ Tài chính, muốn bán bảo hiểm hàng không, doanh nghiệp bảo hiểm phải đảm bảo năng lực tài chính.

Cụ thể, theo Nghị định 73/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ muốn kinh doanh thêm bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh phải có vốn pháp định tối thiểu 400 tỷ đồng.

Điều mà nhà khai thác dịch vụ bay này quan tâm hơn cả đó là năng lực của nhà bảo hiểm gốc đứng đầu liên danh, bởi đây là đầu mối đứng ra cung cấp tất cả các dịch vụ từ tư vấn, đàm phán chương trình, cấp và quản lý đơn, cũng như giải quyết các sự cố phát sinh theo cam kết.

Tại hợp đồng hàng không kể trên, Bảo hiểm PVI tiếp tục đứng đầu liên danh. Hãng này cũng cho biết, PVI hiện là nhà bảo hiểm đứng đầu các chương trình bảo hiểm hàng không của tất cả các hãng hàng không của Việt Nam, bao gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO), Hải Âu Aviation.       

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục