Hấp lực hàng không
Vào thời điểm này, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vẫn chưa có quyết định chính thức về nhà đầu tư được lựa chọn sau khi Tập đoàn FLC đệ đơn xin đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới (Quảng Bình) theo hình thức PPP.
Trong văn bản được gửi tới Bộ GTVT vào cuối tuần trước, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Dự án Đầu tư nhà ga hành khách Cảng hàng không Đồng Hới và các hạng mục kết cấu đồng bộ là công trình hạ tầng thiết yếu đã được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) xây dựng, báo cáo Bộ GTVT để triển khai trong giai đoạn 2018-2021.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, trong giai đoạn đến năm 2020, tại Cảng hàng không Đồng Hới sẽ giữ nguyên nhà ga hiện hữu và tiến hành chuẩn bị đầu tư nhà ga mới.
Giai đoạn đến năm 2030, sẽ tiến hành xây dựng nhà ga 2 cao trình, công suất 3 triệu lượt hành khách/năm và dự trữ đất để có thể xây dựng một nhà ga khác công suất 3 triệu hành khách/năm trong giai đoạn sau năm 2030.
Việc đơn vị đang quản lý sân bay Đồng Hới và Cục Hàng không Việt Nam đưa ra lộ trình “nâng đời” khá thận trọng có thể là một trong những nguyên nhân khiến lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình lại đánh giá cao đề xuất của FLC.
Trong đề xuất được gửi tới Bộ GTVT và UBND tỉnh Quảng Bình vào đầu tháng 4/2018, Tập đoàn FLC muốn đầu tư, nâng cấp sân bay Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế hiện đại, đồng thời cam kết kéo khách du lịch đến địa phương này bằng các đường bay kết nối các điểm du lịch trong và ngoài nước.
Theo lãnh đạo FLC, với vị trí chiến lược tại Bắc Trung bộ, sân bay Đồng Hới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp Quảng Bình tham gia kết nối các di sản thế giới ở miền Trung, đồng thời là điểm trung chuyển thuận tiện cho nhiều trục bay khắp cả nước và quốc tế tới Việt Nam.
Đây cũng là một trong những cảng hàng không chưa được khai thác tối ưu về công suất, trong khi tiềm năng tăng trưởng du lịch của Quảng Bình còn rất lớn. Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, tính đến cuối tháng 3/2018, sân bay Đồng Hới đã đón được 468.000 lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, dù chưa bắt đầu vào mùa du lịch.
Do hạn chế về hạ tầng, sân bay này hiện chỉ có 4 hãng hàng không đang khai thác với 3 tuyến nội địa, 1 tuyến quốc tế.
“Việc nâng cấp sân bay để đón các dòng khách tăng trưởng nhanh là việc cần làm sớm, đặc biệt khi sân bay Đồng Hới là một trong những khu vực hoạt động trọng điểm của Bamboo Airways tại miền Trung”, ông Đặng Tất Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC, kiêm Tổng giám đốc Bamboo Airways cho hay.
Cũng theo vị lãnh đạo này, ngay khi nhận được sự phê duyệt và hoàn thiện các thủ tục pháp lý, Tập đoàn FLC sẽ bắt tay vào triển khai dự án, và nếu các điều kiện thuận lợi cho phép, dự án dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2019.
Nếu được phê duyệt, Dự án đầu tư, nâng cấp sân bay Đồng Hới sẽ là dự án lớn thứ hai của Tập đoàn FLC tại Quảng Bình, bên cạnh quần thể nghỉ dưỡng FLC Quang Binh Beach & Golf Resort quy mô gần 2.000 ha, tổng vốn 20.000 tỷ đồng, được xem là hạ tầng du lịch lớn nhất miền Trung cho đến thời điểm hiện tại. Những dự án này đủ sức kéo hành khách đến Quảng Bình thông qua cửa ngõ sân bay quốc tế Đồng Hới.
Điều đáng nói là, không chỉ Đồng Hới, hầu hết các sân bay ở khu vực miền Trung khác cũng đang tạo được sức hút đối với các nhà đầu tư.
Trước đó, vào đầu tháng 4/2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã giao Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Công ty Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương đánh giá nhu cầu khai thác các chuyến bay quốc tế để tham mưu cho Bộ này điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Tuy Hòa - Phú Yên theo hướng là cảng hàng không nội địa có khả năng khai thác các chuyến bay quốc tế.
Khác với FLC muốn đầu tư độc lập, Công ty Liên Thái Bình Dương lại xin cùng ACV đầu tư nhà ga hành khách mới, công suất 8 triệu lượt hành khách/năm tại Cảng hàng không Tuy Hòa (Phú Yên). Liên Thái Bình Dương sẵn sàng nhường ACV vị trí người đại diện pháp luật, kiêm tổng giám đốc tại doanh nghiệp dự án.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh tích cực của ACV, Công ty cổ phần Đầu tư khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) tại Nhà ga quốc tế Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng đã tạo ra hấp lực đáng kể thu hút các nhà đầu tư xếp hàng chờ được cấp phép vào các dự án hạ tầng sân bay.
Cơ hội gọi vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hàng không trở nên rõ nét hơn sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Phát triển giao thông - vận tải hàng không giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030.
Cảng biển hút hàng
Dù đề xuất đầu tư Dự án Xây dựng cảng Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) đang trong giai đoạn thẩm định, nhưng công trình cảng cửa ngõ này vẫn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đến thời điểm này, Boskalis Inter A.V là nhà đầu tư nước ngoài mới nhất bày tỏ sự quan tâm đến Dự án Xây dựng cảng Liên Chiểu - TP. Đà Nẵng theo hình thức PPP. Cụ thể, trong văn bản vừa được gửi tới Bộ GTVT - cơ quan đang tiến hành thẩm định Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu (giai đoạn I), ông Wanter Jacobs, Giám đốc khu vực của Boskalis cho biết, nhà đầu tư đến từ Hà Lan này muốn được tham gia Hợp phần A - hạ tầng chung.
Boskalis được thành lập tại Hà Lan từ năm 1910, hoạt động trong lĩnh vực nạo vét, chế tạo máy thủy lực, san lấp và dịch vụ hàng hải. Tập đoàn này có dự án tại 75 quốc gia trên khắp 6 châu lục, sở hữu đội tàu lên tới hơn 1.100 chiếc, 15.600 chuyên gia.
Boskalis cho biết, sẽ hợp tác với Tập đoàn T&T trong vai trò nhà đầu tư và đồng phát triển dự án, đặc biệt là việc nghiên cứu khả thi, thiết kế và xây dựng hệ thống hạ tầng chung thuộc Hợp phần A.
Khả năng Liên danh Boskalis - T&T tham gia đầu tư vào cảng Liên Chiểu phụ thuộc vào kết quả thẩm định Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đang hoàn thiện Báo cáo kết quả thẩm định, kịp trình Thủ tướng Chính phủ vào đầu quý II/2018.
Với tổng mức đầu tư lên tới 7.378 tỷ đồng, Dự án Xây dựng cảng Liên Chiểu giai đoạn I được chia làm 2 hợp phần. Trong đó, Hợp phần A có chi phí 3.426,3 tỷ đồng, xây dựng kết cấu hàng hải công cộng (đê chắn sóng, luồng tàu, giao thông kết nối cảng), dự kiến 80% kinh phí sẽ huy động từ nguồn vốn ngân sách trung ương (ODA, vốn ngân sách, trái phiếu…) và 20% từ nguồn xã hội hóa.
Cơ hội gọi vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hàng không rõ nét hơn sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Phát triển giao thông - vận tải hàng không giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030.Đối với Hợp phần B, có chi phí 3.951,8 tỷ đồng, gồm công trình phục vụ khai thác bến như bến cập tàu, kè gầm bến, đường bãi trong cảng, kho, nhà xưởng, thiết bị khai thác bến..., đơn vị tư vấn lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi là Japan Port Consultants kiến nghị đầu tư toàn bộ bằng hình thức xã hội hóa.
Cơ cấu vốn đầu tư Dự án, theo đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam, là phù hợp và có tính khả thi cao. Bên cạnh đó, thời gian hoàn vốn dự kiến của Dự án giai đoạn I vào khoảng 23 năm. Đây là thời hạn không quá dài so với các dự án PPP cảng biển lớn trong khu vực và trên thế giới.
Theo đề xuất của UBND TP. Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu sẽ được quy hoạch là cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực miền Trung (loại IA) gồm 5 phân khu chức năng. Đây là cảng biển thứ hai tại Việt Nam, cùng cảng Lạch Huyện (TP. Hải Phòng) đang xây dựng, được quy hoạch với chức năng là cảng cửa ngõ quốc tế.
Trước đó, Bộ GTVT đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 3 với lượng hàng hóa thông qua khu cảng Tiên Sa bằng đường bộ từ 8,6 đến 10 triệu tấn/năm vào năm 2020, không vượt quá 12 triệu tấn/năm giai đoạn đến năm 2030.
Tuy nhiên, theo ý kiến của UBND TP. Đà Nẵng, nếu lượng hàng đến, rời khu bến Tiên Sa bằng đường bộ đạt 12 triệu tấn/năm sẽ gây quá tải hạ tầng giao thông đô thị của Đà Nẵng, đặc biệt là trên tuyến đường Ngô Quyền, Yết Kiêu.
“Trong bối cảnh cảng Tiên Sa đã sử dụng gần hết công suất và không còn khả năng mở rộng, việc xây dựng mới cảng Liên Chiểu để thay thế và làm chức năng cảng cửa ngõ quốc gia trong tương lai gần có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giúp Đà Nẵng duy trì được vị thế đầu tàu kinh tế, là động lực phát triển của khu vực”, ông Nguyễn Đình Việt, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá