Saigonbank quyết liệt tái cơ cấu, nợ xấu vẫn tăng

(ĐTCK) Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) lãi trước thuế 112 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, hoàn thành 75% kế hoạch năm 2018, song giảm 30,2% so với cùng kỳ năm trước và nợ xấu chiếm 6,48% tổng dư nợ, với con số tuyệt đối là hơn 897 tỷ đồng. 
Saigonbank quyết liệt tái cơ cấu, nợ xấu vẫn tăng

Kết quả kinh doanh 6 tháng

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 đã được soát xét, Saigonbank có tổng tài sản tại thời điểm 30/6 là 20.725 tỷ đồng, tăng 5,35% so với cùng kỳ năm trước.

Huy động vốn đạt gần 17.000 tỷ đồng, tăng 7,63% so với cùng kỳ, trong đó tiền gửi khách hàng là hơn 14.223 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đạt 13.852 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với đầu năm 2018 thì cả huy động vốn lẫn cho vay đều giảm, trong đó tín dụng giảm 1,79%.

Trong 6 tháng đầu năm, Saigonbank ghi nhận thu nhập lãi thuần giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, xuống 327 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng ghi nhận mức giảm hơn 6%, xuống 10,5 tỷ đồng. Đối với hoạt động dịch vụ, lãi tăng 8,4% so với cùng kỳ, đạt 19,2 tỷ đồng.

Các hoạt động khác lãi gần 45 tỷ đồng, tăng 3,1%. Tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro của Saigonbank đạt hơn 189 tỷ đồng, giảm 10,9% so với cùng kỳ.

Do Ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro (tăng 48%) nên lợi nhuận trước thuế 6 tháng còn gần 112 tỷ đồng, giảm 30,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng hoàn thành xấp xỉ 75% kế hoạch năm 2018. 

Nguyên nhân nợ xấu tăng

Nợ xấu của Saigonbank thời điểm cuối tháng 6/2018 chiếm 6,48% tổng dư nợ cho vay khách hàng, với con số tuyệt đối là hơn 897 tỷ đồng.

Theo ông Hồ Quang Lãm, thành viên Hội đồng quản trị, đảm nhiệm công việc của Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigonbank, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng cao thực chất là kết quả tạm thời của việc Saigonbank đang cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Chủ trương của lãnh đạo Ngân hàng là không che giấu nợ xấu. Saigonbank đang tích cực rà soát, đánh giá lại toàn bộ các khoản nợ hiện tại, phân loại và hạch toán trung thực, phản ánh đúng bản chất của các khoản nợ để từ đó có giải pháp xử lý.

Vẫn theo ông Lãm, nợ xấu cao là do không ít khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh như đầu tư xây dựng dự án nhà máy sản xuất vào giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế chung của kinh tế thế giới, khiến dòng tiền hoàn vốn đầu tư, hiệu quả đầu tư không như kỳ vọng.

Đối với khách hàng cá nhân, nhiều người kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển không hiệu quả; đầu tư nông nghiệp như trồng lúa, nuôi cá… gặp thời tiết không thuận lợi, bị mất mùa, hoặc biến động giảm giá cá xuất khẩu; đầu tư kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng không thu được đủ tiền; kinh doanh bất động sản nhỏ lẻ ở thời điểm giá bất động sản cao, khi giá xuống không bán kịp... Các khách hàng này mất khả năng thanh toán nợ, lãi cho Ngân hàng. 

Tăng cường trích lập dự phòng

Trong cơ cấu nợ xấu hiện nay, nợ nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn) của Saigonbank chiếm 201 tỷ đồng, nợ nhóm 4 (nghi ngờ) chiếm 238 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (khả năng mất vốn cao) chiếm 459 tỷ đồng.

Các khoản nợ nhóm 2 (cần chú ý) cũng được chuyển sang nợ xấu do khách hàng không thanh toán nợ và lãi vì hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, nguồn doanh thu không đủ khả năng trả nợ.

Tuy nhiên, ông Vũ Quang Lãm cho biết, hầu hết các khoản nợ xấu của Saigonbank đều có tài sản bảo đảm nên có khả năng thu hồi được nợ, nhưng phải theo lộ trình và thời gian cụ thể theo quy định, đảm bảo thủ tục thu giữ tài sản, tổ chức bán đấu giá tài sản, khởi kiện, thi hành án… Mặt khác, Ngân hàng đã trích lập hơn 600 tỷ đồng nợ xấu, tương đương 67% giá trị của tổng nợ xấu. 

Nhân sự cấp cao biến động

Nhân sự cấp cao tại Saigonbank vừa qua biến động mạnh sau khi Thành uỷ TP.HCM thoái vốn. Cụ thể, ông Phạm Văn Thông, nguyên Phó chánh Văn phòng Thành uỷ TP.HCM, thôi giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigonbank nhiệm kỳ 2013 - 2017.

Ông Vũ Quang Lãm, thành viên Hội đồng quản trị, đồng thời là Tổng giám đốc Saigonbank đã thay thế ông Thông, đảm nhận chức vụ trên. Vị trí đứng đầu Ban điều hành được giao lại cho Phó tổng giám đốc thường trực Võ Thị Nguyệt Minh.

Cuối tháng 7/2018, Saigonbank đã chốt danh sách cổ đông để tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, với nội dung chính là bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2018 - 2023. Tuy nhiên, đến nay, Saigonbank vẫn chưa quyết định ngày họp, mà chỉ dự kiến tổ chức trong tháng 8/2018.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục