SAIGONBANK bước sang trang mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Về mức giá tham chiếu của cổ phiếu SGB gấp gần 3 lần mệnh giá trong ngày chào sàn UPCoM, Chủ tịch Hội đồng quản trị SAIGONBANK, ông Vũ Quang Lãm cho rằng, tuy quy mô còn nhỏ song hoạt động của SAIGONBANK tăng trưởng tích cực, Ngân hàng tích lũy được nhiều tài sản giá trị sau 33 năm hoạt động. 
Ảnh: Dũng Minh. Ảnh: Dũng Minh.

Ông có thể cho biết cơ sở nào để SAIGONBANK đưa ra mức giá tham chiếu cho cổ phiếu SGB gấp gần 3 lần mệnh giá trong phiên chào sàn?

Trên cơ sở tư vấn của đơn vị tư vấn thẩm định giá, Hội đồng quản trị SAIGONBANK đã xem xét trên nhiều mặt và quyết định đưa ra mức giá tham chiếu là 25.800 đồng/cổ phiếu cho cổ phiếu SGB trong phiên giao dịch đầu tiên trên UPCoM ngày 15/10/2020.

Từ bản thân nội tại hoạt động của SAIGONBANK, trong những năm qua, chúng tôi cũng đã “nằm gai, nếm mật”, cố gắng xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng đầy đủ.

SAIGONBANK là ngân hàng cổ phần đầu tiên của cả nước, sau 33 năm hoạt động, các lãnh đạo Ngân hàng đã chắt chiu, tích lũy để hôm nay có một khối tài sản trị giá rất lớn đó là Hội sở, trụ sở các chi nhánh, phòng giao dịch SAIGONBANK... (hơn 100 mặt bằng).

Đặc biệt, một bất động sản lớn của SAIGONBANK được ví như “viên kim cương” còn lại của TP.HCM đó là Khách sạn Riverside trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, bên sông Sài Gòn, diện tích hơn 1.000 m2 và giá luôn tăng theo thời gian.

Chính vì thế mà nhiều nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu của SAIGONBANK. Đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán tập trung giúp nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, lựa chọn đầu tư vào Ngân hàng.

Kết quả kinh doanh của SAIGONBANK trong 3 quý đầu năm 2020 thế nào?

Ông Vũ Quang Lãm.

Ông Vũ Quang Lãm.

Tuy có những khó khăn chung do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng hoạt động của SAIGONBANK trong 9 tháng đầu năm nay vẫn an toàn, hiệu quả.

Tính đến ngày 30/9/2020, tổng tài sản của Ngân hàng là hơn 23.000 tỷ đồng, vốn huy động từ khách hàng đạt 17.744 tỷ đồng, tăng 13,25% (2.076 tỷ đồng) so với đầu năm. SAIGONBANK luôn đảm bảo khả năng thanh khoản, các chỉ tiêu an toàn vốn tuân thủ theo quy định.

Đặc biệt, SAIGONBANK tiếp tục là một trong những ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt, với tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,06% tính đến hết tháng 9/2020.

Trong thời gian qua, chúng tôi luôn chủ động nhận diện sớm rủi ro và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, qua đó góp phần kiểm soát tốt chỉ tiêu chất lượng tín dụng, giảm chi phí dự phòng rủi ro.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 9 tháng đầu năm nay của SAIGONBANK là 27,08 tỷ đồng, giảm 50,75% (27,91 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước. Chi phí dự phòng rủi ro giảm là kết quả nỗ lực của SAIGONBANK trong công tác xử lý các khoản nợ tồn đọng.

Tổng thu nhập từ xử lý nợ trong 9 tháng của Ngân hàng là 145 tỷ đồng, mang lại thu nhập từ nợ đã sử dụng dự phòng 9 tháng đầu năm là 69 tỷ đồng, tăng 27 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ đẩy mạnh tái cấu trúc các hoạt động, kiểm soát hiệu quả chi phí và chất lượng tín dụng, đẩy mạnh nguồn thu từ các sản phẩm dịch vụ sử dụng công nghệ hiện đại... nên kết quả lợi nhuận trước thuế của SAIGONBANK đạt 177 tỷ đồng (lợi nhuận cả năm 2019 là 181 tỷ đồng). Đây là kết quả đáng ghi nhận trong tình hình thị trường còn nhiều khó khăn hiện nay.

Chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020 của SAIGONBANK là 130 tỷ đồng trước thuế. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nhưng chúng tôi tự tin, SAIGONBANK sẽ phát triển tốt từ nay đến cuối năm 2020.

SAIGONBANK tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ra sao?

Ngay sau khi dịch Covid-19 xảy ra, SAIGONBANK là một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ khách hàng theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Thực hiện các nội dung hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng có ảnh hưởng nhất định đến tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2020: chúng tôi đẩy mạnh tái cơ cấu khách hàng, kiểm soát chất lượng tín dụng để hạn chế tối đa nợ xấu.

SAIGONBANK còn chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động trong thời gian ứng phó với dịch để tập trung nguồn lực giảm từ 0,5 - 1,5% điểm phần trăm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện tại và các khoản cho vay mới.

Đặc biệt, SAIGONBANK đã triển khai gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với tổng hạn mức 2.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 1% so với lãi suất cho vay thông thường.

Đồng thời, Ngân hàng có gói tín dụng ưu đãi đặc biệt để phát triển sản xuất - kinh doanh phục vụ đời sống trong dịp Tết Nguyên đán năm Tân Sửu, với hạn mức 600 tỷ đồng, lãi suất cho vay từ 5,5 - 6%/năm.

Ngoài ra, để giúp bà con, người lao động nghèo vượt qua khó khăn, Hội đồng quản trị SAIGONBANK đã quyết định tăng hạn mức đầu tư hợp tác với Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP) từ 500 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng trong năm 2020.

Nhân dịp này, SAIGONBANK phối hợp với CEP phát hành thẻ miễn phí cho người lao động nghèo, người có thu nhập thấp.

Thẻ liên kết SAIGONBANK - CEP là một phương tiện giúp người lao động nghèo, người có thu nhập thấp tiếp cận các phương thức thanh toán hiện đại.

Thông qua ứng dụng SAIGONBANK Smart Banking, họ dễ dàng thanh toán tiền hàng, hóa đơn điện, nước, đặt vé tàu, chuyển tiền nhanh 24/7…, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Lên sàn chứng khoán, nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì ở cổ phiếu SGB khi năng lực tài chính của Ngân hàng còn ở mức khiêm tốn?

Việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán giúp SAIGONBANK có điều kiện nâng cao năng lực tài chính, tăng cường tính minh bạch cũng như củng cố thương hiệu trên thị trường. Chúng tôi có trách nhiệm cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ có sự quan tâm đối với cổ phiếu SGB để có cái nhìn toàn cảnh.

Đặc thù của SAIGONBANK là các cổ đông đều gắn bó từ những ngày đầu thành lập nên chúng tôi cũng muốn chuyển tải thông tin đến các cổ đông để có thể biết được giá trị cổ phiếu đang nắm giữ.

SAIGONBANK đã có sự chuẩn bị gì để áp dụng chuẩn mực Basel II trong hoạt động?

Về chuẩn Basel II, chúng tôi đang trong quá trình hoàn tất và sẽ áp dụng vào cuối năm nay. Hệ số an toàn vốn (CAR) của SAIGONBANK hiện nay ở trên mức 15%. Ngân hàng đã hoàn thành trụ cột thứ nhất của Basel II và đang tiếp tục triển khai thực hiện 2 trụ cột còn lại.

Thị trường có khó khăn, song bằng sự nỗ lực, SAIGONBANK đã sớm tiến tới đích mục tiêu lợi nhuận đạt ra cho năm 2020. Ngân hàng dự kiến chia cổ tức ra sao?

Mục tiêu SAIGONBANK đặt ra cho năm nay là 130 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 9 tháng đầu năm đã thực hiện vượt mức này, dù trong bối cảnh thị trường có những khó khăn nhất định.

Dự kiến, Ngân hàng sẽ xin phép các cấp có thẩm quyền để có thể chia cổ tức năm 2020 tối thiểu 6%.

Đây cũng là yêu cầu của cổ đông và Hội đồng quản trị đang rất quyết liệt thực hiện việc này. Thời gian qua, Ngân hàng chưa chia cổ tức do phải tăng trích dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Đến nay, nợ xấu được xử lý, dự phòng được hoàn nhập, giúp lợi nhuận tăng.

SAIGONBANK đạt 177 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2020, gần bằng cả năm 2019

Tại Đại hội đồng cổ đông cuối tháng 6/2020, bản thân tôi ở vị trí điều hành đã chia sẻ với các cổ đông lớn tuổi, gắn bó lâu năm rằng, năm 2020, Ngân hàng chưa chia được cổ tức năm 2019 không phải vì không có nguồn chia, mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu để lại nhằm tăng cường năng lực tài chính đối phó với đại dịch Covid-19.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục