Saigon Co.op cho rằng việc không công nhận nghị quyết của Đại hội thành viên có thể gây ra những rủi ro cho Saigon Co.op trong các hoạt động ký kết hợp đồng kinh tế.
HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) vừa có văn bản gửi Thường trực Thành ủy và Thường trực UBND TP.HCM liên quan thực hiện kết luận thanh tra.
Theo đó, Saigon Co.op cho hay, đại hội thành viên thường niên năm 2020 của Saigon Co.op đã thống nhất bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Anh Đức.
Tuy nhiên, theo thông báo của Văn phòng UBND TP.HC M chỉ đạo không công nhận nghị quyết của Đại hội thành viên Saigon Co.op. "Điều này tạo nên tình thế khó khăn pháp lý, có thể gây ra những rủi ro cho Saigon Co.op trong các hoạt động ký kết hợp đồng kinh tế với đối tác, nhà cung cấp..." - văn bản nêu.
Để giải quyết tình trạng trên, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op kiến nghị lãnh đạo TP.HCM cho phép triệu tập Đại hội thành viên bất thường cùng với sự tham dự và định hướng của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP để quyết định những nội dung liên quan đến quyết nghị bãi nhiệm.
Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op đề xuất, trong thời gian chờ triệu tập Đại hội thành viên bất thường, ông Nguyễn Anh Đức vẫn giữ chức vụ tổng giám đốc Saigon Co.op, tiếp tục chỉ đạo điều hành các công việc nội bộ và ký các văn bản xử lý những công việc liên quan đến các cơ quan thuộc hệ thống công quyền của Nhà nước (trừ những văn bản, hồ sơ mang tính pháp lý hoạt động kinh tế của Saigon Co.op).
Trước đó, ngày 27/7, Thanh tra TP.HCM đã công bố kết luận thanh tra về các sai phạm tại Saigon Co.op, trong đó đặc biệt là sai phạm liên quan đến việc tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, đầu năm 2020, Saigon Co.op tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỷ đồng lên hơn 6.797 tỷ đồng theo phương án huy động vốn từ các thành viên. Có 20/26 hợp tác xã thành viên góp vốn với tổng số tiền hơn 3.597 tỷ đồng.
Tuy nhiên Thanh tra phát hiện, trong các năm 2018, 2019, một số HTX có mức lợi nhuận sau thuế dưới 6 tỷ đồng không tham gia góp vốn. Trong khi đó, phần lớn HTX có lợi nhuận sau thuế từ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng lại tham gia góp với số vốn góp hàng trăm tỷ đồng.
"Do tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt được từ 26% - 39% trên vốn góp nên nhu cầu của các cá nhân, tổ chức muốn đầu tư vào Saigon Co.op là có cơ sở. Điều này cũng cho thấy nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên thì Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động. Đồng thời, có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung (tài sản không chia) và tài sản của nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP nói riêng và cả nước nói chung. Việc làm này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự" - kết luận thanh tra nêu rõ.
Ngay sau khi Thanh tra TP công bố kết luận, Thafnh ủy TP.HCM đã đình chỉ sinh hoạt cấp ủy và các vai trò Ban chấp hành, Ban thường vụ và Bí thứ Đảng ủy Saigon Co.op đối với ông Diệp Dũng bởi ký do: Ông Diệp Dũng với vai trò của mình tại Saigon Co.op đã tổ chức chỉ đạo huy động vốn trái pháp luật, tổ chức Đại hội thường niên trái pháp luật và thực hiện công tác cán bộ trái quy định của Đảng và không trung thực với tổ chức khi có yêu cầu báo cáo.
Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã hủy 4 nội dung đăng ký thay đổi lần thứ 34 của Saigon Co.op, không thừa nhận số vốn góp 3.597 tỷ đồng của các HTX thành viên đầu năm 2020 với lý do khai báo thông tin chưa chính xác.