Sai phạm trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Thanh Hóa

Trong quá trình cổ phần hóa Công ty Sông Mã, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng và loạt thuộc cấp đã vi phạm trong việc xác định giá giao đất, giá trị cổ phần hóa, gây thiệt hại hơn 55 tỷ đồng.
Công ty Sông Mã bán dự án Hạc Thành Tower ngay khi được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đầu tư.

Loạt cựu lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa “nhúng chàm”

Theo kế hoạch, ngày 26/12, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án liên quan tới các sai phạm trong quá trình cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Sông Mã (Công ty Sông Mã, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước).

Trong số này, có bị cáo Trịnh Văn Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; Nguyễn Đình Xứng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Bùi Văn Nam, cựu Phó phòng Tài chính - Kế hoạch và Cù Đình Hiền, cựu Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa.

Một số bị cáo tại Sở Tài chính Thanh Hóa gồm: cựu Giám đốc Đinh Cẩm Vân và 2 cấp phó là Nguyễn Bá Hùng, Ngô Đình Chén; Văn Xuân Hùng, cựu Trưởng phòng Quản lý công sản - giá cả; Trần Công Tỏ, cựu Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp.

Hai bị cáo còn lại là Nguyễn Mạnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Sông Mã và Đinh Xuân Hướng, Tổng giám đốc Công ty Sông Mã.

Các bị cáo trên bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Quy trình ngược khi giao dự án

Theo hồ sơ vụ án, Công ty Sông Mã, tiền thân là Công ty Kinh doanh nhà Thanh Hóa, là doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa, được thành lập năm 1993. Doanh nghiệp này được giao quản lý nhiều tài sản, trong đó có 1.733,8 m2 đất tại số 3 - Phan Chu Trinh (phường Điện Biên, TP. Thanh Hóa).

Thực hiện quyết định cổ phần hóa, tháng 7/2008, UBND tỉnh Thanh Hóa thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, do Ngô Đình Chén, thời điểm này là Phó giám đốc Sở Tài chính, làm Trưởng ban.

Trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, các cá nhân, đơn vị liên quan đã để xảy ra nhiều vi phạm. Theo quy định, khi tiến hành cổ phần hóa, doanh nghiệp phải xây dựng phương án sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất đang quản lý; lựa chọn hình thức thuê đất hoặc giao đất, để từ đó tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, tháng 2/2009, Đinh Xuân Hướng, Tổng giám đốc Công ty Sông Mã đã đề nghị và được UBND tỉnh Thanh Hóa giao làm chủ đầu tư xây dựng Dự án Tòa nhà cao tầng, dịch vụ tổng hợp, theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Theo lý giải của Công ty Sông Mã, nếu lập dự án đầu tư xây dựng thì thời gian sẽ rất lâu; trong khi tiền sử dụng đất chưa được xác định sẽ khó cho việc xác định tổng mức đầu tư, hiệu quả dự án.

Từ đó, công ty này đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho xác định mức thu tiền sử dụng đất theo đơn giá hiện hành, với hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất 50 năm; sau khi nộp đủ tiền sử dụng đất, được giao đất, thì doanh nghiệp mới lập dự án, xin phê duyệt.

Tháng 11/2009, UBND tỉnh Thanh Hóa giao 2.706 m2 đất tại số 3 - Phan Chu Trinh cho Công ty Sông Ma để lập dự án đầu tư, khai thác, với thời hạn giao ổn định lâu dài; giá giao được xác định là 21 triệu đồng/m2, tổng số tiền phải nộp là gần 57 tỷ đồng.

Cú “bẻ lái”

Chưa đầy 1 năm sau khi được giao dự án, tháng 9/2010, Hội đồng Quản trị Công ty Sông Mã thống nhất chủ trương liên danh với Công ty TNHH Huy Hoàng để cùng đầu tư, không thành lập pháp nhân mới, trong đó Công ty Sông Mã xây dựng trên phần diện tích 1.400 m2; còn Công ty Huy Hoàng được xây dựng với diện tích 1.100 m2.

Đến tháng 4/2011, Sở Xây dựng Thanh Hóa mới cấp chứng chỉ quy hoạch cho Công ty Sông Mã để làm cơ sở lập tổng mặt bằng xây dựng và thủ tục đầu tư xây dựng công trình, lấy tên là Hạc Thành Tower.

Đầu tháng 12/2011, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản điều chỉnh thời điểm và xác định lại giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa Công ty Sông Mã tại thời điểm 30/9/2011. Công ty Sông Mã được xác định tổng tài sản doanh nghiệp hơn 474 tỷ đồng; nợ phải trả gần 440 tỷ đồng; tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước là gần 34 tỷ đồng.

Tháng 5/2012, Công ty Sông Mã mới chính thức được UBND tỉnh Thanh Hóa giao làm chủ đầu tư Dự án, gồm khu cao ốc hỗn hợp 15 tầng và khu nhà ở thương mại 5 tầng, với 8 căn hộ liền kề.

Dù chưa lập phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, song Công ty Sông Mã và Công ty TNHH Huy Hoàng đã ký biên bản thỏa thuận việc hợp tác đầu tư và thống nhất chuyển giao hạng mục cao ốc 15 tầng cho Công ty Huy Hoàng.

Do không đủ năng lực tài chính để triển khai dự án, nên Công ty Sông Mã đã “bán lúa non”, bằng cách đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép huy động vốn bằng phương thức chuyển nhượng 1 phần dự án cho Công ty Huy Hoàng.

Quan điểm này đã bị phản bác bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng Thanh Hóa, song sau nhiều lần Trịnh Văn Chiến (thời điểm đó giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) chỉ đạo các cơ quan này phải “xem xét ý kiến” của doanh nghiệp, nên các cơ quan này buộc phải “bẻ lái”, thống nhất với đề nghị cho phép Công ty Sông Mã được bán 1 phần dự án; song vẫn yêu cầu chỉ được chuyển nhượng khi Dự án được xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Ngày 16/8/2012, Trịnh Văn Chiến ký văn bản cho phép Công ty Sông Mã được chuyển nhượng 1.227,4 m2 đất tại số 3 - Phan Chu Trinh cho Công ty Huy Hoàng, với giá 21 triệu đồng/m2; phần diện tích còn lại (1.075,46 m2) cũng nhanh chóng được chuyển nhượng cho các cá nhân khác là Phùng Thị Tâm, Lê Thị Giang và Mai Thị Thắm.

Chênh lệch giá “đất vàng” không được tính vào giá trị cổ phần hóa

Bị cáo Trịnh Văn Chiến còn đồng ý cho Công ty Sông Mã áp dụng giá giao đất tại thời điểm tháng 1/2013 theo đơn giá đất năm 2009. Theo đó, trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, các bị cáo Ngô Đình Chén và Trần Công Tỏ không xác định giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm Công ty Sông Mã được giao khu đất trên để tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, nhưng vẫn ký tờ trình với phương án trên. Với vai trò Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách mảng, tháng 1/2013, Nguyễn Đình Xứng đã ký quyết định phê duyệt tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước của Công ty Sông Mã là 21 triệu đồng/m2; tổng số tiền sử dụng đất Công ty Sông Mã phải nộp là hơn 48 tỷ đồng.

Ngoài ra, Nguyễn Đình Xứng cũng ký quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp tại thời điểm Công ty Sông Mã chính thức chuyển thành công ty cổ phần, nhưng không tính giá trị chênh lệch của khu đất này vào giá trị doanh nghiệp.

Cơ quan tố tụng cáo buộc, các bị cáo Trịnh Văn Chiến, Nguyễn Đình Xứng, Cù Đình Hiền, Bùi Văn Nam và các cá nhân tại Sở Tài Chính Thanh Hóa biết rõ việc Công ty Sông Mã đang cổ phần hóa. Theo quy định, khi giao đất để thực hiện dự án, thì phải áp dụng giá đất tại thời điểm giao đất để tính tiền sử dụng đất; đồng thời giá trị này phải được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, song các bị cáo đã liên tục để xảy ra vi phạm.

Hành vi của các bị cáo được đánh giá là rất nghiêm trọng, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế về đất đai, cổ phần hóa doanh nghiệp, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Theo xác định của Hội đồng Định giá UBND tỉnh Thanh Hóa, các sai phạm trong việc xác định giá đất nói trên đã dẫn tới hậu quả thiệt hại lên tới 55,8 tỷ đồng. Bị cáo Đinh Xuân Hướng, Tổng giám đốc Công ty Sông Mã được xác định đã hưởng lợi hơn 6,4 tỷ đồng; còn bị cáo Nguyễn Mạnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên công ty này hưởng lợi 3,5 tỷ đồng.

Trong quá trình điều tra, truy tố, đa số bị cáo trong vụ án này đều thành khẩn khai báo và đã nộp khắc phục tổng số tiền hơn 58 tỷ đồng.

Huệ Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục