Cuối năm 2016, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ, tài liệu về Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ sang Bộ Công an để điều tra xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, sau một thời gian điều tra, xác minh, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an mới kết luận một phần hành vi sai phạm.
Trên cơ sở đề nghị truy tố của Cơ quan An ninh điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 5 cá nhân theo 2 tội Cố ý làm trái và Nhận hối hộ.
Ngày 28/8 tới đây, dự kiến Tòa án nhân dân TP. Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Cố ý làm trái, Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX).
Được biết, phiên tòa sẽ kéo dài trong 4 ngày với Hội đồng xét xử 5 người. Do tính chất nghiêm trọng của vụ án, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội bố trí nhiều thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký dự khuyết.
Theo cáo trạng, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên PVTEX đã có nhiều sai phạm xảy ra, bao gồm việc quyết định lựa chọn, ký hợp đồng với nhà thầu không đủ năng lực, kinh nghiệm; tự ý thay đổi thiết kế và tổ chức thi công xây lắp trái với hồ sơ khi lập, phê duyệt, thiết kế cơ sở dự án và phê duyệt của UBND TP. Hải Phòng.
Việc tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng cũng không đúng với quy định tại hợp đồng, điều lệ Công ty và quy định của Chính phủ.
Tổng số tiền Nhà nước bị thiệt hại là 19 tỷ đồng. Cơ quan công tố xác định các cá nhân gồm Trần Trung Chí Hiếu (nguyên Chủ tịch HĐQT PVTEX) và Vũ Đình Duy (nguyên Tổng giám đốc PVTEX), Đào Ngọ Hoàng (nguyên Trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTEX), Vũ Phương Nam (nguyên Kế toán trưởng PVTEX), Đỗ Văn Hồng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc - PVC.KBC) phải chịu trách nhiệm về thiệt hại này.
Cơ quan công tố cho rằng, hành vi của các bị cáo để lại hệ lụy rất lớn. Đó là toàn bộ dự án dừng thi công, dở dang từ năm 2012. Đến nay, dự án đã xuống cấp nghiêm trọng, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành quyết định thu hồi đất của dự án, trên 92 tỷ đồng của Nhà nước đầu tư nhà ở chung cư cho công nhân khu công nghiệp bị sử dụng sai mục đích sang xây nhà liên kế, gây lãng phí nghiêm trọng.
Ngoài ra, khi PVTEX liên kết góp vốn thành lập PVTEX Kinh Bắc, Vũ Đình Duy và Trần Trung Chí Hiếu còn có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và sự lệ thuộc của Đỗ Văn Hồng, buộc Đỗ Văn Hồng phải chi cho mỗi người 3 tỷ đồng. Với hành vi này, Trần Trung Chí Hiếu còn bị truy tố về tội Nhận hối lộ. Riêng Vũ Đình Duy đã bỏ trốn, Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ điều tra, xử lý sau.
Đáng chú ý, bản cáo trạng có đề cập đến những sai phạm khác trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ được nêu trong Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ và cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh.
Tuy nhiên, cần thêm thời gian để giám định, kết luận hậu quả hiệt hại. Do thời gian điều tra đã hết, cơ quan điều tra tách hành vi này và tiếp tục điều tra xác minh để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã kết luận nhiều sai phạm, trong đó có trách nhiệm thực hiện quyền cổ đông sáng lập PVTEX, sai phạm trong đầu tư và xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ. Hậu quả là Dự án không đạt được hiệu quả như dự kiến.
Theo báo cáo khả thi đã được phê duyệt thì thời gian thu hồi vốn cho toàn bộ Dự án là 8 năm 8 tháng. Khi Dự án đi vào sản xuất và kinh doanh thì có lãi. Nhưng thực tế, PVTEX liên tục lỗ từ năm 2012 đến năm 2014. Lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2014 là 1.472 tỷ đồng.
Qua báo cáo của PVTEX, trên cơ sở tổng mức đầu tư điều chỉnh (từ 324 triệu USD lên 359 triệu USD) và rà soát, kiểm tra, cập nhật các định mức vật tư, tiêu hao, nhân công, lãi vay... với hệ số chiết khấu 6%, thời gian thu hồi vốn cho toàn bộ dự án là 22 năm 8 tháng, trong khi tuổi thọ dự án chỉ là 22 năm, đồng nghĩa với việc không có hiệu quả kinh tế.