Sai phạm của ông Phạm Phú Quốc là nghiêm trọng

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Chiều nay 3/11, Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc.

Sai phạm của ông Phạm Phú Quốc là nghiêm trọng

Trước đó, vào chiều 2/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã điều hành phiên họp riêng để xem xét, cho ý kiến về công tác nhân sự. Quốc hội đã nghe tờ trình của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy về việc bãi nhiệm đại biểu với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.

“Sự việc ông Phạm Phú Quốc xin nhập Quốc tịch Cộng hòa Síp và đã có quốc tịch Cộng hòa Síp nhưng không báo cáo với cơ quan, tổ chức là không trung thực, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội.

Sai phạm của ông Phạm Phú Quốc là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu trong công luận và trong nhân dân, uy tín của ông Phạm Phú Quốc bị giảm sút; cử tri thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ sự không tín nhiệm và đề nghị Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc”, thông cáo báo chí nêu.

Cũng tại buổi họp riêng chiều 2/11, Quốc hội đã xem xét việc trình thảo Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết này.

Cùng ngày, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, các ý kiến đại biểu phát biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội về sự cần thiết sửa đổi Luật.

Theo đó, việc sửa đổi Luật sẽ góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về công tác phòng, chống ma túy; đồng thời, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Để tiếp tục hoàn hiện dự thảo Luật, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề như: phạm vi điều chỉnh của Luật; trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy; chính sách của Nhà nước về cai nghiện ma túy; cơ sở cai nghiện ma túy; các trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; cai nghiện ma túy cho người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam; cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; về hỗ trợ xã hội sau cai nghiện ma túy và phòng, chống tái nghiện ma túy; nguồn lực trong tổ chức cai nghiện ma túy...

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục